Địa Khanh Viện, hay còn gọi là “ngôi nhà dưới lòng đất”, là một loại hình kiến trúc độc đáo có từ 4000 năm trước ở Trung Quốc.
Với ưu điểm tiết kiệm chi phí xây dựng, giữ ấm vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè, Địa Khanh Viện đã trở thành nơi sinh sống của nhiều người dân vùng cao nguyên Hoàng Thổ.
Tuy nhiên, do không đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống hiện đại và chịu ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt, nhiều Địa Khanh Viện đã bị hư hại và bỏ hoang.
Từ những năm 1980, việc xây dựng thêm Địa Khanh Viện bị cấm, khiến cho loại hình kiến trúc độc đáo này dần dần biến mất.
Nỗ lực bảo tồn
Để bảo tồn và phát huy giá trị của Địa Khanh Viện, cô gái trẻ tên là Zhu Shiqi, một người sinh ra và lớn lên trong một Địa Khanh Viện, đã quyết định từ bỏ công việc ở thành phố vào năm 2020 để quay về quê hương. Cô cùng với các kiến trúc sư Lidia Ratoi và Olivier Ottevaere tại Đại học Hồng Kông đã tiến hành cải tạo lại Địa Khanh Viện của gia đình.
Dự án cải tạo này đã tiêu tốn hàng triệu nhân dân tệ và kéo dài trong nhiều năm. Thay vì đào các hang động bằng tay như phương pháp truyền thống, người ta đã sử dụng gạch để xây dựng. Các hang động được kết nối với nhau và có thêm cửa sổ trời. Ở giữa sân, một khu vườn đa năng được xây dựng. Trên cùng, một mái nhà lưới lớn được lắp đặt.
Sau khi cải tạo, Địa Khanh Viện không chỉ là nơi ở mà còn trở thành không gian tổ chức các hoạt động cộng đồng như đám cưới, đám tang, tiệc tùng, biểu diễn…
Lin Junhan, một kiến trúc sư người Đài Loan đã sống và làm việc ở các vùng nông thôn của Trung Quốc trong gần 20 năm, ông chia sẻ mình đã học được rất nhiều từ kiến trúc nông thôn. Ông cho rằng, kiến trúc phản ánh cuộc sống và người xưa rất thông minh và sáng tạo khi xây dựng nhà cửa.
Địa Khanh Viện ở Tây Vương Trang, Tam Môn Hiệp, Hà Nam
Địa Khanh Viện của gia đình Zhu Shiqi nằm ở Tây Vương Trang, Tam Môn Hiệp, tỉnh Hà Nam. Đây là một khu vực nằm ở giao điểm của Hà Nam, Sơn Tây và Thiểm Tây, có độ cao hơn 1000 mét so với mực nước biển và thuộc dãy núi Tần Lĩnh.
Địa Khanh Viện đã tồn tại hàng nghìn năm và từng là nơi sinh sống của hầu hết các hộ gia đình ở Tây Vương Trang. Hiện nay, mặc dù không còn phổ biến như trước nhưng vẫn còn hàng trăm ngôi làng và hàng nghìn Địa Khanh Viện ở Tam Môn Hiệp.
Cấu trúc của Địa Khanh Viện
Việc xây dựng Địa Khanh Viện không phức tạp so với các ngôi nhà thông thường: Đầu tiên, người ta đào một cái hố sâu khoảng 6-7 mét, dài rộng khoảng 10 mét, lấy hố làm sân, sau đó đào 10-14 cái hang hình vòm ở bốn bức tường của hố, làm phòng khách, phòng ngủ, nhà bếp, nhà vệ sinh, chuồng trại, trong đó một cái hang được đục thành đường dốc nối với mặt đất, làm lối vào.
Trong điều kiện khắc nghiệt, thiếu thốn của cao nguyên hoàng thổ, Địa Khanh Viện là kết tinh trí tuệ của người dân địa phương.
Thứ nhất, tiết kiệm nhân lực và vật lực. “Thời đó, các gia đình nông dân có nhiều con, điều kiện sống khó khăn, thế hệ cũ không có nhiều tiền bạc, khả năng để chuẩn bị chỗ ở cho nhiều con như vậy. Còn việc xây dựng Địa Khanh Viện gần như không tốn bất kỳ chi phí nào, trong vòng một năm rưỡi là có thể hoàn thành”, Zhu Shiqi kể lại.
Thứ hai, Địa Khanh Viện mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông. Tam Môn Hiệp có khí hậu bốn mùa rõ rệt, mùa hè nhiệt độ gần 40 độ, mùa đông nhiệt độ thấp nhất có thể xuống tới âm mười mấy độ, lượng tuyết rơi lớn.
Trong khi đó, bên trong Địa Khanh Viện quanh năm duy trì ở nhiệt độ 20-25 độ, mùa hè không cần bật điều hòa, mùa đông không cần bật bất kỳ thiết bị sưởi nào.
Zhu Shiqi đã đăng rất nhiều video về Địa Khanh Viện trên mạng xã hội, câu hỏi nhận được nhiều nhất là liệu có bị ngập khi trời mưa không? Lo ngại này, người xưa đã tính đến từ lâu.
“Tam Môn Hiệp thuộc khu vực có khí hậu bán khô hạn, ít mưa, lượng mưa hằng năm chỉ khoảng 500mm. Kể cả khi trời mưa, ở giữa mỗi sân đều có một cái máng lớn, nước mưa chảy vào máng, từ từ thấm xuống lòng đất. Hơn 4000 năm nay chúng tôi vẫn thoát nước theo cách đó”, Zhu Shiqi cho hay.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.