Nhà hát Cao Văn Lầu tọa lạc trên trục đường Hùng Vương và Cù Chính Lan thuộc phường 1, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Xung quanh khu vực nhà hát là các cơ quan hành chính nhà nước, trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Bạc Liêu hiện nay (Ảnh: CTV).
Trong đó mặt chính nhà hát hướng ra đường Hùng Vương, nơi có quảng trường Hùng Vương, một trong những quảng trường lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Nhà hát nằm trong cụm những công trình nổi bật ở quảng trường Hùng Vương (trung tâm TP Bạc Liêu), trong đó có tượng cây đờn kìm. Đây là 2 công trình đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận kỷ lục “Cây đờn kìm cách điệu lớn nhất” và “Khối nhà hình nón lá lớn nhất” vào tháng 4/2014.
Nhà hát Cao Văn Lầu có 3 khối nhà chính (nhà hát, nhà trưng bày và nhà hội nghị) được xây dựng trên tổng diện tích hơn 2.260m2, với kiến trúc hình dáng 3 chiếc nón lá chụm vào nhau nên còn được gọi là nhà hát 3 nón lá. Trong đó, chiều cao nón lá cao nhất là 24,75m, đường kính hơn 45m, mái được lợp bằng tấm composite (Ảnh: CTV).
Nhà hát Cao Văn Lầu được lấy tên của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu (1892-1976), tác giả bản Dạ cổ hoài lang bất hủ. Đây là bản nhạc được xem đánh dấu sự khởi đầu của nền cải lương ở Nam bộ.
“Từ là từ phu tướng, bảo kiếm sắc phong lên đàn,…”, ngày nay bản Dạ cổ hoài lang không chỉ là di sản văn hóa của riêng người Bạc Liêu mà còn là di sản văn hóa của Nam Bộ và cả nước nói chung.
Điểm nhấn của nhà hát là hình ảnh chiếc nón lá thân quen đối với người dân Việt Nam, thể hiện sự gần gũi, gắn bó và là vẻ đẹp bình dị mang dáng dấp hồn quê Việt Nam.
Một số nhạc cụ thường được sử dụng trong đờn ca tài tử, hát cải lương,… trưng bày bên trong nhà hát để du khách có thể chiêm ngưỡng, tìm hiểu thêm về bộ môn nghệ thuật đặc sắc này.
Xung quanh nhà hát có xây dựng thêm đường nội bộ trồng cây xanh, hồ nước trồng sen, súng,… để tạo không gian xanh mát. Từ cửa chính nhà hát có thể nhìn ra phía quảng trường Hùng Vương thông thoáng.
Bên ngoài nhà hát Cao Văn Lầu có thể làm “phông nền” cho các chương trình, hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong và ngoài tỉnh Bạc Liêu.
Bên trong khối nhà hát có sân khấu khá hiện đại và khán đài hàng trăm chỗ. Nhà hát là địa điểm tổ chức nhiều buổi biểu diễn nghệ thuật với nhiều bộ môn đặc sắc như: ca cải lương, dù kê, ca múa nhạc đương đại,… với sự biểu diễn của các nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ trẻ tài năng. Hiện nay, những vở diễn trích đoạn cải lương nổi tiếng cũng được biểu diễn vào tối thứ 7 hằng tuần để phục vụ khán giả mộ điệu.
“Có thể nói nhà hát Cao Văn Lầu là cái nôi gìn giữ những giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc ở vùng đất Nam Bộ. Các hoạt động văn hóa này sẽ góp phần bảo tồn những nét đẹp truyền thống quý báu; đồng thời, khuyến khích thế hệ trẻ tìm hiểu và trân trọng những giá trị tốt đẹp được cha ông để lại”, theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu.
Hình ảnh nhà hát Cao Văn Lầu được đưa vào logo du lịch của tỉnh Bạc Liêu. Đó là hình ảnh 3 chiếc nón lá cách điệu với 3 màu sắc (đỏ, vàng, xanh) được thiết kế đan xen nhau (cũng là hình ảnh đại diện tinh thần đoàn kết của 3 dân tộc Kinh – Khmer – Hoa) được bao trùm bởi cây đờn kìm cách điệu. Hình ảnh nón lá hướng chúng ta đến đặc trưng văn hóa Nam bộ, gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân, đặc biệt là người phụ nữ Nam Bộ, trong đó có phụ nữ Bạc Liêu.
“Nơi đây trở thành điểm đến không thể bỏ qua, là điểm thu hút du khách trong và ngoài tỉnh tham gia hành trình khám phá những nét đẹp văn hóa xứ sở Bạc Liêu”, ông Lý Vỹ Triều Dương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, chia sẻ với phóng viên Dân trí về nhà hát “3 nón lá” khi vừa được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận là điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.