Thảo cầm viên Sài Gòn đã “tiết lộ” với Tuổi Trẻ Online về những cái tên độc lạ, thú vị này.
Thôi nôi hươu cao cổ Thảo Em
Đại diện Thảo cầm viên Sài Gòn cho biết hươu cao cổ Thảo Em được sinh ra tại đây ngày 29-4-2023. Thảo Em là con cặp hươu Thái – Lan (tên đặt theo nơi sinh của chúng) sang Việt Nam “lập nghiệp” vào năm 2014. Thôi nôi của Thảo Em sẽ được tổ chức vào ngày mai 29-4.
Cha mẹ Thảo Em sinh ra và lớn lên tại một vườn thú Thái Lan. Năm 2014, “Thái, Lan” cùng hươu cao cổ đực vượt đoạn đường dài hơn 1.000km từ biên giới Lào – Việt đến TP.HCM và sinh sống ở Thảo cầm viên Sài Gòn.
“Thái” và “Lan” được bố trí làm cùng một bộ phận. Sự gắn kết giữa những con hươu cao cổ đồng hương, cùng hoàn cảnh đã trở thành tình yêu. Sau thời gian cặp đôi này có ba con: Chị cả, “Thảo Chị” và bé út “Thảo Em”.
Hiện chị cả của “Thảo Chị” và “Thảo Em” đang sinh sống tại Củ Chi. Chị ba “Thảo Chị” (được người chăm sóc đặt tên) đã đi lấy chồng. “Ông xã” chính là hươu cao cổ gốc Thái cùng đi trên chuyến xe sang Việt Nam với cha mẹ cô.
Thảo Em khi mới sinh nặng khoảng 50kg và chiều cao xấp xỉ 2m. Lý giải về cái tên của bé hươu này, ông Mai Khắc Trung Trực – giám đốc Xí nghiệp động vật, Thảo cầm viên Sài Gòn – cho biết khi bé sinh, bà Huỳnh Thu Thảo, chủ tịch HĐTV công ty, vừa về đơn vị.
“Lúc này các anh em ngồi giỡn với nhau, nói có “Thảo Chị” rồi giờ chắc có thêm “Thảo Em”, thế là cái tên đó gắn với bé hươu tới nay”, ông Trực nói.
Bình – Dương, Tèo, Vú Sữa, Bún Cá…
Cũng theo ông Trực, ở Thảo cầm viên Sài Gòn có nhiều động vật có tên lạ như “Noel, Bình – Dương, Tèo, Vú Sữa”…
Noel là chú gấu được sinh trước đêm Giáng sinh, người phụ trách lấy tên Noel đặt cho bé.
Hay như chú kangaroo “Bún Cá”, là trải nghiệm và sự gắn bó của chính ông Trực. Ông Trực hồi tưởng lúc mới sinh Bún Cá bị rớt khỏi túi của mẹ kangaroo. Mẹ không nuôi, ông Trực phải bỏ bé trong ba lô nuôi thay mẹ và phải ôm suốt dù đi đâu.
“Một hôm sau khi làm, tôi đưa bé về nhà, lúc đó bà xã nấu bún cá nên bé con tôi kêu lên: “Hay ba đặt tên cho nó là Bún Cá đi”. Từ đó cái nên này gắn với kangaroo con”, ông Trực kể lại.
Còn “Tèo” là chú đười ươi. Lúc nó về Thảo cầm viên nhỏ xíu, xanh lè, không nuôi trong chuồng. Ngày nào nó cũng đi lang thang trong sở thú.
Nó hay đội nón lá, cầm cây gắp rác, đi theo người nuôi, thấy lá và rác thì nhặt bỏ vào bịch. Lúc này bộ truyện Thần đồng đất Việt đang thịnh hành, thế là người nuôi kêu nó là “Tèo” luôn.
“Hột Mít là hà mã con, mới sinh nó trông lẳng như hột mít. Ở Thảo cầm viên có nhiều cái tên chẳng biết nguyên do ở đâu. Mấy anh chị nuôi tự đặt tên xong mình làm hồ sơ để phân biệt mới hay”, ông Trực kể thêm về các tên gọi.
Đối với các trường hợp giải cứu cũng có nhiều cái tên gắn liền với chúng. Như voọc chân nâu tên Chaien, lúc mang về nuôi nó nhỏ xíu, ốm do suy dinh dưỡng. Thời gian sau ăn nhiều, bụng tròn vo, rốn lồi ra như nhân vật Chaien trong truyện Doraemon nên các bạn nuôi đặt tên vậy.
Hai chú hổ Bengal con chào đời vào ngày 13-5-2023 tại Thảo cầm viên Sài Gòn. Cha của 2 chú hổ Bengal con là hổ Bengal đực được sinh ra tại Thảo cầm viên vào năm 2014, mẹ của chúng là 1 trong 4 con hổ Bengal mà Thảo cầm viên đã tiếp nhận cứu hộ từ Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Bình Dương vào ngày 23-2-2022.
2 chú hổ con được đặt tên “Bình” và “Dương”, nhằm ghi nhận sự hỗ trợ của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương đã trao tặng 4 con hổ cho Thảo cầm viên, trong đó có mẹ của chúng.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.