Bên cạnh đó là những tảng đá di tích, nơi khắc ghi ngày 2-9-1936 diễn ra lễ nối thanh ray cuối cùng của tuyến đường sắt xuyên Đông Dương.
Lịch sử có những sự trùng hợp ngẫu nhiên thật thú vị. Ngày 2-9-1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa chính thức được khai sinh. Đúng ngày tháng ấy trước đó 9 năm, một sự kiện cũng đi vào lịch sử ngành giao thông khi tuyến đường sắt xuyên Đông Dương (nay là đường sắt Thống Nhất Bắc – Nam) chính thức thông tuyến. Một tháng sau đó, đây cũng là nơi khánh thành tuyến đường sắt xuyên Đông Dương.
Lễ nối ray thông đường sắt xuyên Đông Dương ngày 2-9-1936
Có lẽ rất nhiều người qua lại trên đường bộ thiên lý Bắc – Nam qua đèo Cả hay đi tàu Thống Nhất qua khu vực này ít biết tại phía bắc của hầm đèo Cả (nay thuộc thôn Hảo Sơn Bắc, xã Hòa Xuân Nam, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) có một di tích đánh dấu sự kiện lịch sử của đường sắt xuyên Đông Dương những năm đầu thế kỷ XX.
Nhà nghiên cứu Trần Sĩ Huệ, trong cuốn Đất Phú Trời Yên (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2018), viết: “Việc xây dựng đường sắt xuyên Việt (ngày trước gọi là xuyên Đông Dương) được đề ra từ năm 1897 thời Toàn quyền Paul Doumer. Qua 39 năm xây dựng, từng đoạn ngắn từ Bắc vào và từ Nam ra, ngày 7-1-1936, đường ray được đặt tới Tuy Hòa”.
Theo nghiên cứu này, đường sắt qua Phú Yên từ ranh giới tỉnh Bình Định đến ranh giới tỉnh Khánh Hòa dài 120km là đoạn hoàn thành cuối cùng trong hệ thống đường sắt xuyên Việt. “Ngày 2-9-1936, trong buổi lễ tại km 1221 phía nam ga Hảo Sơn dưới chân đèo Cả, vua Bảo Đại mặc quốc phục, cầm cờ lê, làm động tác siết bu lông nối ray, chính thức công nhận đã hoàn thành”.
Còn tác giả Nguyễn Văn Giác, trong bài viết Tuyến đường sắt xuyên Đông Dương vào nửa đầu thế kỷ XX đăng trên tạp chí Xưa và Nay (số 534, tháng 12-2021), viết rằng có hai sự kiện long trọng đáng ghi nhớ nhất của toàn bộ diễn trình dựng đặt tuyến đường sắt xuyên Đông Dương tại đây.
Một là ngày 2-9-1936, Toàn quyền Đông Dương Eugène Jean Louis René Robin và Hoàng đế Bảo Đại đã tự tay đặt thanh ray cuối cùng nối liền hai đầu Bắc – Nam của tuyến đường sắt. Hai là ngày 1-10-1936, lễ khánh thành toàn tuyến đã diễn ra với sự chứng kiến của Toàn quyền Đông Dương tạm quyền A.Sylvestre, Hoàng đế Bảo Đại, Thống đốc Vân Nam (Trung Quốc) Long Yun.
Theo các tài liệu nghiên cứu đã nêu, tại nơi nối thanh ray thông tuyến đường sắt xuyên Đông Dương ngày ấy dựng một tấm bia bằng đá nguyên khối, trên đó khắc những dòng chữ bằng tiếng Pháp ghi dấu con người, sự kiện liên quan.
Những dòng chữ trên bia đá đó được dịch ra tiếng Việt như sau: “Tại đây, tuyến đường sắt xuyên Đông Dương, do Paul Doumer khởi xướng nhằm liên thông các xứ Đông Dương, được hoàn thành ngày 2-9-1936 với sự kết nối đường ray đến từ biên giới Trung Quốc vào với đường ray từ Sài Gòn ra”. Dưới chân bia bên trái khắc chữ “Sài Gòn 509km” và bên phải khắc “Hà Nội 1221km”.
Trên bia còn ghi tên những người tham gia công cuộc hoàn thành ở giai đoạn cuối cùng, gồm 7 người Pháp và 8 người Việt Nam: René Robin – toàn quyền Đông Dương, Gassier – tổng Thanh tra công chánh, Lefèvre – kỹ sư trưởng kiến thiết đường sắt, Cousin – chánh kỹ sư kiến thiết đường sắt, Bourgocin – kỹ sư trưởng kiến thiết đường sắt, Michelin – trưởng Ty kiến thiết, Terilleau – trưởng Ty đặt đường ray, Đoàn Đình Đệ – chánh tham tá Công chánh hạng 3, Nguyễn Hoàng – tham tá Công chánh hạng 1, Trần Văn Thụy – tham tá Công chánh hạng 3, Nguyễn Đại – đội trưởng đội đặt đường, Vũ Văn Tân – đội trưởng đội đặt đường, Nguyễn Lập – giám thị.
Do chiến tranh, tấm bia này bị đổ vỡ, chỉ còn 2 mảng với những dòng chữ không còn nguyên vẹn, một số hoa văn và các chữ bên hông bia ghi tên các ga như Nha Trang, Đại Lãnh, Hảo Sơn, Đông Hà, Quảng Trị, Huế…
Sẽ phục dựng tấm bia bằng đá như nguyên bản
Tháng 9-2015, chúng tôi đến gặp người có trách nhiệm ở Công ty cổ phần Đường sắt Phú Khánh để đặt vấn đề vì sao không đưa hai phần đá bia bị vỡ về bảo tàng của ngành đường sắt, hoặc có kế hoạch bảo vệ thì được trả lời là ngành đang có kế hoạch phục dựng.
Khoảng một năm sau, vào ngày 1-10-2016 (đúng 80 năm sự kiện khánh thành đường sắt xuyên Đông Dương), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã khánh thành công trình phục dựng mốc bia ghi dấu phát triển đường sắt Việt Nam tại km1221 tuyến đường sắt Bắc – Nam, ngay đúng vị trí từng được dựng bia cũ.
Công trình này có diện tích khoảng 5m2, gồm bia mới làm bằng đá granite xám cao 2m, ngang 1m, mặt Nam bia khắc những dòng chữ tiếng Pháp như nội dung trên bia cũ, còn mặt Bắc bia khắc những dòng chữ dịch ra tiếng Việt. Hai phần phế tích của bia cũ được đặt bên cạnh bia mới, về hướng Nam.
Giữa tháng 8-2024, chúng tôi quay lại nơi này cũng là lúc tình cờ gặp thầy Nguyễn Bảo Toàn, giáo viên dạy sử ở Trường THPT Nguyễn Văn Linh (thị xã Đông Hòa), đang đến đây chụp ảnh, ghi lại nội dung trên các phần còn lại của tấm bia cũ cũng như trên bia mới phục dựng để làm tư liệu phục vụ giảng dạy.
Thầy Toàn nhận xét rằng tấm bia mới được phục dựng góp phần giúp người dân, du khách và những người quan tâm đến ngành đường sắt qua lại nơi này biết được nơi đây là địa điểm lưu dấu một phần lịch sử quan trọng của tuyến đường sắt Đông Dương xưa, đường sắt Thống Nhất nay.
“Nhưng tôi vẫn thấy băn khoăn khi tấm bia mới dùng loại đá granite hiện đại, các dòng chữ khắc âm được sơn vàng nhưng nhanh chóng bay màu, rất khó đọc. Giá mà ngành đường sắt hay cơ quan chức năng nào đó làm lại tấm bia bằng loại đá giống như nguyên bản, kích cỡ bia, khắc chữ và hoa văn như bia cũ để đặt tại đây, cùng với hai phần phế tích còn lại, thì sẽ giá trị và ý nghĩa hơn nhiều” – thầy Toàn chia sẻ.
Chúng tôi đem băn khoăn này trao đổi với ông Phạm Nguyễn Chiến – giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Phú Khánh, thì nhận được thông tin rất lạc quan.
Ông Chiến cho hay trong lộ trình chuẩn bị cho 80 năm kỷ niệm Ngày truyền thống ngành đường sắt Việt Nam (21-10-1946 – 21-10-2026), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chủ trương phục dựng nguyên bản tấm bia đã được dựng ngày 1-10-1936 tại km1221 ở gần ga Hảo Sơn. “Hiện chúng tôi đang đi khảo sát, chứ chưa có phương án cụ thể. Nhưng chủ trương phục dựng nguyên bản, nguyên hình dáng, kích thước, điêu khắc… của tấm bia là có” – ông Chiến nói.
Tương lai của vùng đất khó
Trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc, xã Hòa Xuân (nay được tách thành phường Hòa Xuân Tây và 2 xã Hòa Xuân Đông, Hòa Xuân Nam) từng được mệnh danh là “lũy thép dưới chân đèo Cả”.
Gần đây, tỉnh Phú Yên đã lập quy hoạch 1/2000 cho dự án khu đô thị và du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Biển Hồ – Đá Bia với tổng diện tích 338,4ha ở xã Hòa Xuân Nam, ôm cả khu vực Hảo Sơn, biển Hồ.
Quy hoạch này nêu: “Di tích ga Hảo Sơn đã được xếp hạng sẽ tạo nên một điểm đến cho người dân, du khách trong và ngoài nước”.
Ông Nguyễn Lê Vi Phúc – chủ tịch UBND thị xã Đông Hòa – cho biết quy hoạch trên thành hiện thực sẽ tạo ra cơ hội phát triển đột phá cho khu vực này cũng như cả thị xã Đông Hòa.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.