Sau 2 năm ấp ủ và lên kế hoạch chuẩn bị tài chính, MC Thu Hương (SN 1996, Hà Nội) đã thực hiện ước mơ đặt chân đến đất nước Pakistan. Hành trình của chị kéo dài 10 ngày, trong đó có 7 ngày ở Pakistan và 3 ngày ở Ấn Độ.
“Với tôi, Pakistan là vùng đất đáng để khám phá, đúng với tên gọi là “thiên đường hạ giới””, nữ MC bộc bạch.
MC Thu Hương xuất phát từ Thủ đô New Delhi của Ấn Độ, sau đó đi tàu đến biên giới Pakistan và nhập cảnh bằng đường bộ. Từ biên giới, chị tiếp tục đi xe đến Islamabad để hội ngộ với những người bạn chung đoàn du lịch của mình.
Cầu treo Hussaini – chiếc cầu được mệnh danh là nguy hiểm nhất thế giới – là một trong những điểm đến được MC Thu Hương đặc biệt mong chờ. Quan cảnh hùng vĩ, sự nguy hiểm đầy thử thách là điều thôi thúc chị phải chinh phục chiếc cầu treo này.
Cầu có chiều dài khoảng 200m, bắt qua sông Hunza nằm ở miền Bắc Pakistan. Chiếc cầu nguy hiểm này cũng là con đường duy nhất kết nối 2 làng Zarabad và Hussaini với nhau.
“Nếu chỉ nhìn cầu treo qua màn ảnh thì rất khó để mường tượng được sự hùng vĩ của nó. Cho đến khi tận mắt chiêm ngưỡng, tôi khá bất ngờ về độ dài, độ sâu và tính chất nguy hiểm thực tế của chiếc cầu.
Ban đầu tôi cũng khá sợ, nhưng không biết tại sao bản thân bỗng có một dũng khí rất lớn là phải chinh phục chiếc cầu này. Có lẽ do tôi muốn vượt qua nỗi sợ độ cao bấy lâu nay của bản thân”, chị chia sẻ.
Cầu treo Hussaini khá cao so với lòng sông. Mặt cầu được đóng từ các ván gỗ nhỏ, cách nhau khoảng một gang tay. Hai bên thành cầu là những sợi dây thép đã bị rỉ sét theo thời gian.
MC Thu Hương cho biết, vì mặt cầu không được đóng khít nhau nên khá nguy hiểm khi di chuyển. Nếu không cẩn thận, người đi dễ bước hụt chân. Ở phần đầu cầu, các ván gỗ khá to, tuy nhiên ở đoạn giữa thì ván gỗ ngày càng nhỏ và xa nhau.
“Tôi mắc chứng sợ độ cao, nên khi nhìn xuống có hơi choáng một xíu nhưng vẫn cố gắng giữ bình tĩnh. Tôi và một anh cùng đoàn bám vào hai bên thành cầu để đi. Chúng tôi chậm rãi, rón rén từng bước một, đi một bước là phải dừng lại để thở.
Càng di chuyển ra giữa cầu thì càng khó đi hơn, vì gió thổi to và cầu bị đung đưa mạnh. Tôi bám chặt vào thành cầu để tìm chỗ bám víu giữa khoảng không chênh vênh. Tuy nhiên, gió thổi ngày càng mạnh, tôi cảm giác như mình có thể rơi bất cứ lúc nào”, Thu Hương kể.
Vượt qua được 2/3 đoạn đường, Thu Hương và người đồng hành giữ được bình tĩnh hơn, cũng như đã biết cách giữ thăng bằng. Từ cảm giác sợ, chị chuyển sang tận hưởng, bắt đầu đi bạo dạn hơn và đến bên kia cầu.
Sang bên kia cầu, nữ du khách tìm cách xuống khu vực bãi cát sỏi để ngắm quang cảnh. Chị nói, ngồi ở bãi sỏi cũng là một cảm giác thú vị khi được ngắm núi đồi hùng vĩ từ xa và đoàn người đang di chuyển sang cầu.
“Lựa chọn đến cầu treo Hussaini vào mùa xuân, tôi cảm nhận nơi đây đầy sức sống. Thời điểm này, mực nước bên dưới cầu treo Hussaini còn khá cạn nên để lộ bãi cát sỏi khá đặc trưng.
Vào mùa hè và mùa thu, nước sông sẽ dâng cao và có màu xanh ngọc bích rất đẹp. Riêng mùa đông, toàn bộ khung cảnh nơi đây được phủ tuyết trắng xóa”, MC Thu Hương cho hay.
MC Thu Hương mất hơn 1 tiếng để chinh phục cầu treo dài 200m (bao gồm cả thời gian ngắm cảnh). Vì lượt đi chưa có nhiều kinh nghiệm nên chị mất hơn 20 phút để hoàn thành.
Theo chị, người địa phương đi cầu rất thành thạo, thậm chí họ còn đi không cần bám vào thành cầu. Khách du lịch thường mặc thêm áo phao bảo hộ khi đi ngang cầu.
Du khách người Việt cho biết, mỗi ngày lượng khách ghé tham quan cầu treo khá nhiều, tuy nhiên số người trải nghiệm đi cầu khá ít. Đa số khách du lịch chỉ di chuyển ở phần đầu cầu để chụp ảnh rồi trở vào.
Theo chia sẻ của chị Thu Hương, phí tham quan cầu treo Hussaini khoảng 200 rupee/người (tương đương 6 triệu đồng). Tuy nhiên, việc du khách di chuyển sang cầu còn mang tính tự phát, không có người hướng dẫn hoặc được phổ biến quy tắc phòng hộ cần thiết. Thông thường, trưởng đoàn sẽ đi cùng du khách hoặc tự trang bị áo phao khi sang cầu.
Nếu không đi bộ ngang cầu, khách du lịch có thể sử dụng dịch vụ zipline băng qua sông Hunza với chi phí 1000 Rupee/lần trượt (tương đương 30 triệu đồng). Hai bên bờ sông sẽ có 2 người phụ trách đỡ khách du lịch lên xuống.
“Theo quan sát, điểm du lịch này dường như không có đội ngũ giám sát hoặc hỗ trợ khi gặp sự cố. Thông thường, người hướng dẫn viên sẽ là người chịu trách nhiệm chính cho khách của mình”, chị nói.
“Tin vào đôi chân của mình và vượt qua nỗi sợ bản thân” là những gì mà MC Thu Hương muốn gửi gắm đến du khách khi đặt chân đến cầu treo được mệnh danh nguy hiểm nhất thế giới.
Rời cầu treo Hussaini, MC Thu Hương tiếp tục ghé thăm những điểm khác của Pakistan. Tuy nhiên, quãng đường 200m đầy gian nan trên cầu treo là một dấu ấn đặc biệt trong chuyến hành trình của chị, vì chị đã vượt qua nỗi sợ độ cao và chấp nhận thử thách bản thân ở một vùng đất mới.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.