Tại các quán phở Việt ở Hàn Quốc, một điều dễ thấy là cách thức nấu nướng và phục vụ không hoàn toàn giống với ở quê nhà, sự gia giảm này để điều chỉnh khẩu vị ăn của người Hàn. Tuy vậy, xu hướng hiện nay đang dần thay đổi…
Phở Việt “phổ cập” ở Hàn Quốc
Chị Yến, chủ quán phở Choen (Seoul) – cho biết nhiều người Hàn không quen với mùi thảo quả, quế, hồi đậm đà như người Việt, vì thế, để phù hợp với khẩu vị nhẹ nhàng hơn, nước dùng phở ở quán được cân chỉnh có vị thanh đạm, ít đậm mùi gia vị.
Dù điều chỉnh, nhưng hương vị phở vẫn giữ được 90% so với nguyên bản tô phở Việt ở Việt Nam. Thời gian gần đây, một số lượng lớn thực khách Hàn tìm đến những quán phở giữ được đúng hương vị Việt Nam, mùi thơm của bò, nước mắm và rau mùi ăn kèm.
Thông thường, các quán phở phục vụ món ăn kèm là hành tây bào chua, củ cải muối, có quán kèm cả kim chi, nhưng ngày càng có nhiều quán phở bắt đầu phục vụ thêm rau thơm.
“Điều này chứng tỏ rằng không chỉ phở biến tấu mới được ưa chuộng mà chính những quán phở thuần Việt cũng có chỗ đứng riêng.
Tôi nghĩ, đây là kết quả của sự sôi động du lịch giữa hai nước. Nhiều người Hàn Quốc sang Việt Nam du lịch, học tập và họ biết được hương vị nguyên bản và trở nên ưa thích phở Việt”, chị Yến chia sẻ.
Quán phở Choen không chỉ thu hút cộng đồng người Việt mà còn khá đông khách Hàn, khách quốc tế đến thưởng thức, bởi sự tinh tế và đặc trưng trong từng hương vị.
Kinh doanh nhà hàng Việt Nam khá thành công ở Hàn Quốc và cũng lấy phở làm món ăn chủ đạo để phát triển hệ thống, ông Nguyễn Đình Tuyên – chủ doanh nghiệp nhà hàng Phở Khỏe tại Seoul, cho biết phở trở thành một phần trong văn hóa ăn uống của nhiều người Hàn, từ những nhân viên văn phòng đến sinh viên và học sinh.
Người Hàn ăn phở thường không kèm rau thơm và có đặc trưng là ăn cay nên món phở cay rất được đón nhận.
“Người Hàn rất thích ăn nhiều giá, cách nấu món xúp tương đồng với nước dùng Việt Nam như hầm xương, thịt bò phải mềm, cắt lát mỏng, chỉ khác ở cọng phở.
Họ cũng thích vị đậm đà nhưng không phải không đậm vị nước mắm. Nhiều khách còn thích ăn cay và thêm chút chanh, giá vào tô phở”, ông Tuyên chia sẻ thêm.
Theo các chủ quán phở, dù hương vị phở ở Hàn khá đa dạng, nhưng các nhà hàng đều có điểm chung là sử dụng nguyên liệu như nước mắm và một số gia vị khác được nhập khẩu từ Việt Nam để giữ được hương vị món ăn gần giống hương vị nguyên bản nhất.
“Chỉ có một chút tiếc nuối là do nguồn nguyên liệu xương chủ yếu là hàng đông lạnh, hương vị nước dùng phở ở Hàn Quốc không thể có độ thanh như ở Việt Nam”, chị Yến chia sẻ.
Ẩm thực Việt – Hàn giao lưu
Anh Dương Đức Huấn, bếp trưởng khách sạn Majestic, trực thuộc Saigontourist Group, cho biết trong lần giới thiệu phở Việt tại Vietnam Phở Festival ở Hàn Quốc 2024, khách sạn sẽ giới thiệu bốn món phở khác nhau.
Bên cạnh hai món phở hảo hạng, được rất nhiều du khách Hàn khi lưu trú tại khách sạn ưa thích là phở tái sườn bò, phở gà, thì đoàn cũng chuẩn bị thêm phở trộn cua cay và phở hai tô (phở khô Gia Lai).
“Chúng tôi tìm hiểu và biết được người Hàn thích ăn cay và biến tấu món phở cua cay hứa hẹn sẽ được đón nhận.
Ngay cả tương ớt ăn kèm, chúng tôi cũng có phiên bản “nhiều cấp độ cay”, như cách ăn của người Hàn Quốc. Các hương vị này chế biến với sợi phở đặc trưng nên vẫn giữ được nét riêng của ẩm thực Việt”, anh Huấn bày tỏ.
Theo các nhà kinh doanh, một trong những lý do khiến phở Việt dần được yêu thích ở Hàn Quốc chính là sự đa dạng trong cách ăn uống của người Hàn.
Không chỉ thưởng thức phở vào bữa trưa và ăn tối, nhiều người Hàn xem phở như loại xúp giải rượu. Sau những buổi nhậu, bát phở nóng hổi giúp người uống cảm nhận được sự thoải mái và thanh mát trong từng sợi phở, giúp họ hồi sức nhanh chóng.
Hiện nay cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc xấp xỉ 300.000 người, trong số đó không ít người đã chọn mở các nhà hàng phở để vừa giữ gìn nét văn hóa quê nhà, vừa giới thiệu với người bản xứ.
Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở cộng đồng người Việt, phở dần trở thành một phần trong hành trình khám phá văn hóa của người Hàn, đặc biệt là những ai đã có dịp đến thăm Việt Nam.
Ông Nguyễn Đình Dũng, tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, đã nhấn mạnh: “Việc phát triển các nhà hàng phở tại Hàn Quốc không chỉ là một hoạt động kinh doanh, mà còn là cầu nối văn hóa giúp người dân hai nước hiểu hơn về nhau.
Đây là lý do tại sao các sự kiện văn hóa như Vietnam Phở Festival sẽ đóng phần thúc đẩy sự gắn kết và hiểu biết giữa hai quốc gia thông qua món ăn truyền thống này.
Phở không chỉ đơn thuần là một món ăn, mà còn là cầu nối đưa người dân hai nước xích lại gần nhau hơn, từ đó mang đến những giá trị về tình thân, về văn hóa và cả những kỷ niệm khó phai trong lòng mỗi thực khách”.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.