San hô xanh mi nơ
Những bức ảnh này khiến nhiều người khen không hết lời về vẻ đẹp của san hô như một tuyệt tác của thiên nhiên ban tặng cho vùng biển đảo này.
Sau khi nhìn thấy những bức ảnh này, chị Tâm Anh (Bình Thuận) cho biết, đây là lần đầu nhìn thấy những hình ảnh về san hô tuyệt đẹp thế này. Còn anh Thái Bình Ngô (TP.HCM) sau khi xem những ảnh này đã thốt lên: “Quá tuyệt vời”.
Chiều 8/6, trao đổi với Dân Việt, chị Phi Phi (hiện đang công tác ở Khu bảo tồn thiên Hòn Cau, huyện Tuy Phong (Bình Thuận) cho biết, những bức ảnh này do chị chụp cách đây mấy ngày bằng điện thoại.
Theo chị Phi Phi, hôm đó chị đang đi làm nhiệm vụ ở một góc Hòn Cau và bất ngờ nhìn thấy rạn san hô mới nở có màu xanh mi nơ rất đẹp nên lấy điện thoại chụp. Chị lấy chạm nhẹ và những san hô xanh mi nơ này thì cảm giác thấy rất mềm…
“Theo tôi, đây là loài san hô mới trên Hòn Cau. Mấy ngày qua tôi lên mạng tìm hiểu tìm hiểu về loài san hô này và tìm cái tên nhưng chưa biết loại san hô này tên gì. Hiện giờ tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu và tìm hiểu thêm…”, chị Phi Phi nói.
Theo lời chị Phi Phi, nhìn hình ảnh trực tiếp bên ngoài thì san hô mi nơ đẹp gấp nhiều lần so với hình chụp trong điện thoại…
Du khách thích san hô xanh ở Hòn Cau
Hòn Cau thuộc xã Phước Thể – huyện Tuy Phong, hiện là điểm đến hấp dẫn cho du khách gần xa trong một năm trở lại đây. Tour Hòn Cau đi về trong ngày hoặc ở lại đêm được thu hút các bạn trẻ thích khám phá tìm tòi, đăng ký trải nghiệm. Nơi đây có chiều dài chỉ 1,5 km, diện tích khoảng 140 ha, hoàn toàn tách biệt với đất liền, được du khách ví von như “thiên đường xanh” vì sở hữu khung cảnh hoang sơ tuyệt đẹp…
Nếu khách có nhu cầu ở lại qua đêm, các điểm làm tour sẽ đăng ký với lực lượng biên phòng để quản lý về an ninh trật tự khi ở lại sinh hoạt trên đảo. Hoàng hôn hay bình minh trên đảo Hòn Cau đều đẹp mê hồn. Chỉ mất khoảng 30 – 40 phút du khách xuất phát từ cảng Phước Thể hoặc Liên Hương sẽ đến được Hòn Cau.
Theo kinh nghiệm của người dân địa phương, từ tháng 1 – 6 ÂL hàng năm là thời điểm lý tưởng để du khách tham quan đảo bởi trời êm, thời tiết thuận lợi, thích hợp cho du khách hòa mình vào thiên nhiên.
Trên Hòn Cau có các điểm cần ghé như: Hang Yến, Hang Ba Hòn, giếng Gia Long, đền thờ thần Nam Hải hay các bãi tắm, bãi san hô tuyệt đẹp…
Khu Bảo tồn Rùa biển cũng là địa điểm hấp dẫn du khách khi đặt chân đến hòn đảo này. Khi ghé thăm Khu Bảo tồn Rùa biển, du khách sẽ được nghe thuyết trình về tập tính sinh hoạt của loài rùa và các kỹ năng cứu hộ rùa biển cần thiết. Qua đó sẽ nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và giữ gìn môi trường sống cho các loài động vật xung quanh.
Ngoài khách sạn nhỏ thì du khách có thể trải nghiệm qua đêm bằng cách cắm trại, ngủ lều, tận hưởng thiên nhiên và không khí mát lành ven biển.
Khu bảo tồn biển Hòn Cau – khu bảo tồn loài, sinh cảnh cấp tỉnh
Trong một hội nghị giao ban báo chí trước đây do Ban Tuyên giáo phối hợp với Sở TTTT tỉnh Bình Thuận tổ chức, ông Nguyễn Thanh Phúc – Phó Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển (KBTB) Hòn Cau cho biết, tại Quyết định số 2606/QĐ-UBND ngày 15/11/2010 của UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt thành lập Khu bảo tồn biển (KBTB) Hòn Cau với tổng diện tích là 12.500 ha.
Diện tích KBTB Hòn Cau đã được các nhà khoa học tính toán chi tiết để đảm bảo được các mục tiêu bảo vệ, bảo tồn các hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển, các loài động thực vật biển và một số loài quý, hiếm.
Đây là khu bảo tồn loài – sinh cảnh cấp tỉnh với tổng diện tích 12.500 ha; thuộc phạm vi 3 xã Phước Thể, Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong; được phân thành 4 vùng chức năng gồm: Vùng bảo vệ nghiêm ngặt (vùng lõi), vùng đệm, vùng phục hồi sinh thái và vùng phát triển.
Mục tiêu của KBTB Hòn Cau là bảo vệ tài nguyên biển, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ nơi quần cư của các loài sinh vật, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế và du lịch sinh thái, quản lý và sử dụng bền vững nguồn lợi hải sản.
Bên cạnh việc tiếp tục duy trì nguyên hiện trạng hoặc điều chỉnh các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt tại Bãi cạn Brenda, Hòn Cau và phân khu phục hồi sinh thái ven bờ xã Vĩnh Tân.
Thiết lập mới 2 phân khu phục hồi sinh thái tại vùng biển ven bờ xã Phước Thể và xã Bình Thạnh nhằm bảo tồn, bảo vệ đa dạng sinh học, nguồn lợi, đặc biệt là bảo tồn, bảo vệ và phát huy cảnh quan khu vực bãi rêu và bãi đá bảy màu, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái gắn với di tích thắng cảnh chùa Cổ Thạch.
KBTB Hòn Cau là một trong 16 Khu Bảo tồn biển của Việt Nam không chỉ đẹp về cảnh quan thiên nhiên mà còn được đánh giá cao về đa dạng sinh học thể hiện sự đa dạng của thủy sinh vật, động vật đáy, rong, cỏ biển, san hô, cá, động vật không xương sống, thú, chim, bò sát, rùa biển…
Hòn Cau được các nhà nghiên cứu đánh giá có vị trí cực kỳ quan trọng, là ngư trường rộng lớn của Việt Nam.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.