Sau phản ánh của Tuổi Trẻ Online trong bài “Bát nháo, chèo kéo khách ở sân bay Tân Sơn Nhất sao chưa dẹp được?”, ngày 10-6 lãnh đạo Tân Sơn Nhất cho biết đã có cuộc họp gấp chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô tại cảng.
Thẳng thắn vấn đề tiêu cực ở sân bay
Ông Nguyễn Nam Tiến – phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất – cho biết đã chủ trì cuộc họp với nhiều cơ quan quản lý, doanh nghiệp để giải quyết tình trạng lộn xộn taxi, xe công nghệ.
Trong đó có một số vấn đề nổi trội còn tồn tại như nhân viên của các hãng vận tải cự cãi, gây mất trật tự và mời chào, đón khách sai quy định, hành khách. Tài xế của Taxi 27/7 tráo tiền khách du lịch…
Hàng không là dây chuyền dịch vụ, có nhiều doanh nghiệp liên quan hoạt động tại sân bay. Do đó, một trong những dịch vụ có vấn đề tiêu cực dù không thuộc thẩm quyền và khu vực quản lý của sân bay vẫn ảnh hưởng đến hình ảnh của Tân Sơn Nhất.
Tại cuộc họp lần này, lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất thẳng thắn với quan điểm “mạnh tay” xử lý các vấn đề còn tồn tại và đề nghị các đơn vị liên quan phối hợp giải quyết.
Một trong những nội dung sắp tới Tân Sơn Nhất triển khai như đề nghị Cảng vụ Hàng không miền Nam (cơ quan của Cục Hàng không Việt Nam) xem xét lại quy trình cấp thẻ tạm, thẻ ngắn hạn có lý lịch tư pháp,… cho nhân viên của các đơn vị hoạt động kinh doanh vận tải tại cảng.
Theo đó, các đơn vị kinh doanh khi làm đơn xin cấp thẻ cho nhân sự, phải có bản cam kết bảo lãnh và cam kết của nhân viên nhân sự được tuyển dụng có lý lịch tư pháp rõ ràng, chưa vi phạm quy định hoạt động tại cảng.
Với Đồn công an Tân Sơn Nhất tiếp tục phối hợp Cảng vụ Hàng không miền Nam và sân bay đảm bảo khu vực địa bàn, chú trọng các khu vực đón trả khách bãi đỗ xe ô tô và tuần tra khu vực.
Đối với các hãng hoạt động tại sân bay, nhân sự của các hãng khi làm việc phải mặc đồng phục và phải đeo thẻ khi làm việc.
Các đơn vị có quầy bán vé ga đến quốc tế và ga đến quốc nội phải cung cấp danh sách nhân sự (tên tuổi, ca kíp,…) cho lực lượng an ninh hàng không trước khi vào làm việc. Các trường hợp đón khách sai vị trí quy định, gây mất trật tự, sẽ tiến hành thu thẻ nhân viên.
Xác định rõ khu vực quản lý, đề nghị doanh nghiệp TCP phối hợp
Tân Sơn Nhất cho biết khu vực báo chí phản ánh nạn chèo kéo thường diễn ra ở khu vực nhà để xe TCP, do Công ty cổ phần đầu tư TCP vận hành. Đây là doanh nghiệp hoạt động độc lập nhưng nằm trong địa bàn của sân bay, phục vụ đi lại của hành khách.
Các hoạt động của nhà để xe TCP khi khách khiếu nại, phản ánh vẫn ảnh hưởng hình ảnh của sân bay.
TCP đang vận hành dịch vụ giữ xe máy, ô tô, cho thuê bãi đậu, mặt bằng ăn uống. Khu vực làn đón xe hợp đồng, xe công nghệ tại làn D1 và D2 trong nhà để xe TCP, Tân Sơn Nhất đề nghị TCP thực hiện nghiêm túc theo phương án phối hợp đã ký kết giữa các bên.
Tại khu vực này của TCP do lực lượng Thanh niên xung phong giữ gìn trật tự. Khi xảy ra trường hợp vi phạm, TCP có trách nhiệm phối hợp với đơn vị liên quan để xử lý.
Còn đối với xe công nghệ khi vào làn công nghệ bãi đậu xe ga quốc tế, cảng sẽ phối hợp, thống nhất cơ quan chức năng và hãng công nghệ để kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ trường hợp sử dụng ứng dụng (app) khác hãng vận chuyển khách nhằm đảm bảo trật tự khu vực này.
Không cho taxi 27/7 vào cảng đón khách
Tân Sơn Nhất đề nghị Cảng vụ Hàng không miền Nam và Đồn công an kiến nghị Sở Giao thông vận tải TP.HCM tạm đình chỉ hoặc dừng khai thác để chấn chỉnh tình trạng đánh tráo tiền của khách du lịch. Tân Sơn Nhất đề nghị không cho Hãng taxi 27/7 vào sân bay đón khách.
Bên cạnh đó, Tân Sơn Nhất phối hợp với các cơ quan chức năng nhà nước, tăng cường tiến hành kiểm tra định kỳ đối với hoạt động của các hãng, lập biên bản xử lý và xem xét ngưng hoặc chấm dứt hợp đồng khi xảy ra các vụ việc làm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác, hình ảnh, uy tín của cảng.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.