Bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân, cán bộ Ban Quản Lý Côn Sơn – Kiếp Bạc cho biết: Chợ quê từ lâu đã trở thành hình ảnh rất đỗi bình dị và quen thuộc trong cuộc sống thường ngày của người dân ở các vùng nông thôn nói chung và địa danh xã Hưng Đạo nói riêng.
Theo truyền thống mỗi khi có hội đền Kiếp Bạc thì hội chợ được tổ chức với phong phú các sản vật ở địa phương và các nơi hội tụ đến để giao thoa và phục vụ nhân dân cùng đông đảo khách thập phương từ mọi miền đất nước. Chợ hội luôn gắn liền với những phong tục tập quán , những nét đẹp văn hoá của hội đền Kiếp Bạc.
Trải qua sự biến thiên của thời gian, chợ hội đền Kiếp Bạc bị mai một dần do chiến tranh, do công nghiệp hóa và thương mại hóa. Đến nay, Ban Quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc phục dựng dần lại chợ hội theo tính chất chợ hội xưa để đảm bảo gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa chợ hội trong lễ hội truyền thống.
Đồng thời, chợ quê hội thu Kiếp Bạc được tổ chức nhằm giới thiệu quảng bá sản phẩm du lịch đặc trưng, xúc tiến du lịch và thương mại, thúc đẩy phát triển du lịch của di tích, của tỉnh và khu vực; đa dạng các hoạt động trong lễ hội nhằm phục vụ nhu cầu của du khách về tham quan, trải nghiệm tại di tích. Tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân địa phương tham gia các hoạt động phục vụ, tiêu thụ sản phẩm du lịch, đặc biệt là nông sản địa phương.
“Quy mô chợ quê phù hợp với không gian, cảnh quan di tích, đảm bảo an toàn, tiết kiệm. Hình thức và nội dung chợ quê đã tái hiện được một phần nét xưa, truyền thống của chợ hội Kiếp Bạc”, bà Xuân cho hay.
Tại chợ quê hội thu Kiếp Bạc 2024 này, có 22 gian hàng, trong đó bên phải chợ quê là các gian hàng trưng bày các sản phẩm nông sản do người dân địa phương sản xuất các thức hoa, quả mít, cau, cốm, nón… bên trái chợ là khu vực gian hàng ẩm thực với các món ăn thuần truyền thống xưa. Các chủ thể chế biến những món ăn truyền thống mang đậm đà hương vị quê hương; trang trí, trưng bày, trao đổi, mua bán với du khách thập phương, để du khách trải nghiệm các sản phẩm nông sản phong phú và đặc sắc ở địa phương.
Anh Trần Phương Thanh, du khách đến từ TP Hải Dương cho biết: Việc Ban Tổ chức lễ hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc phục dựng lại không gian chợ quê hội thu Kiếp Bạc rất có ý nghĩa, góp phần làm phong phú hoạt động lễ hội, giúp du khách có thêm nhiều không gian trải nghiệm. Tôi còn nhớ, trước đây mỗi mùa lễ hội đền Kiếp Bạc, nhiều người dân trong, ngoài địa phương mang nhiều sản vật về đây bày bán như chiếu, rồi các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, kim khí các dụng cụ sản xuất nông nghiệp, đồ chơi trẻ em… Người dân mua hàng ở chợ đền Kiếp Bạc mang vào đền để khấn Đức Thánh Trần Hưng Đạo rồi mang về sử dụng còn mang ý nghĩa tâm linh mong muốn Đức Thánh phù hộ mạnh khoẻ, may mắn.
Theo Ban Quản lý Côn Sơn – Kiếp Bạc, chợ quê hội thu Kiếp Bạc nằm trong chuỗi các hoạt động hội thu truyền thống Côn Sơn – Kiếp Bạc, tạo ra không gian hội chợ đậm đà bản sắc hội thu lành mạnh, bổ ích, văn minh, lịch sự qua đó bảo tồn và phát huy giá trị di tích, phát huy thế mạnh tiềm năng du lịch Côn Sơn – Kiếp Bạc. Chợ quê hội thu Kiếp Bạc tạo ra sự giao lưu, học hỏi, trao đổi, và chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau để qua đó đáp ứng nhu cầu khách tham quan và mỗi chủ thể chúng ta là một đại sứ du lịch của khu di tích.
Chợ quê hội thu Kiếp Bạc diễn ra trong khuôn khổ vui tươi, lành mạnh. Các chủ thể tham gia hoạt động chợ quê tuân thủ nội quy, quy định chung của Ban, phải đảm bảo an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; đảm bảo các yếu tố: văn minh, lịch sự, giữ gìn được thuần phong mỹ tục của địa phương.
Cũng theo Ban Quản lý Dị tích Côn Sơn – Kiếp Bạc trong 2 ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, các di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc đã đón tiếp hơn 12.000 lượt du khách về tham quan, chiếm bái các di tích trong quần thể di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc. Các du khách chấp hành tốt các quy định của Ban Quản lý, bảo đảm vui tươi, lành mạnh và an toàn trong phòng chống cháy rừng, chảy nổ tại các di tích.
Theo kế hoạch của Ban Tổ chức, Lễ hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc năm 2024, tưởng niệm 724 năm ngày mất của Anh hùng Dân tộc Trần Hưng Đạo và 582 năm ngày mất của Anh hùng Dân tộc, Danh nhân Văn hoá Thế giới Nguyễn Trãi diễn ra từ 12/9 – 22/9 (tức từ mồng 10/8 đến 20/8 âm lịch).
Theo đó, bên di tích Kiếp Bạc diễn ra các hoạt động: Ngày 12/9 (tức 10/8 âm lịch) diễn ra Lễ cáo yết; Ngày 18/9 (tức 16/8) diễn ra các hoạt động Khai mạc Tuần Văn hóa, Du lịch và Xúc tiến Thương mại, trao giải vòng chung kết cuộc thi hướng dẫn viên du lịch tỉnh Hải Dương năm 2024, trình diễn nghệ thuật múa rối nước, lễ tưởng niệm 724 năm ngày mất của Anh hùng Dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, lễ khai hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc năm 2024, lễ khai ấn và ban ấn đền Kiếp Bạc.
Ngày 19/9 (tức 17/8) diễn ra hoạt động: Khai mạc trưng bày cổ vật, diễn xướng hội quân trên sông Lục Đầu, trình diễn nghệ thuật rối nước, khai mạc liên hoan diễn xướng hầu thánh, các hoạt động Tuần Văn hóa Du lịch và Xúc tiến thương mại; Ngày 20/9 (tức 18/8) có các hoạt động: Trình diễn nghệ thuật múa rối nước, lễ cầu an và hội hoa đăng, liên hoan diễn xướng hầu thánh, các hoạt động tuần Văn hóa Du lịch và Xúc tiến Thương mại.
Ngày 21/9 (tức 19/8) có các hoạt động: Bế mạc liên hoan diễn xướng hầu thánh, các hoạt động Tuần Văn hóa Du lịch và Xúc tiến Thương mại; Ngày 22/9 (tức 20/8) diễn ra các hoạt động: Lễ rước bộ, Lễ tế, Lễ giỗ Đức thánh Trần, bế mạc tuần Văn hóa du lịch và xúc tiến thương mại. Bên di tích Côn Sơn cũng được Ban Tổ chức lễ hội tổ chức nhiều hoạt động để đón du khách về với Lễ hội mùa thu lớn nhất ở miền Bắc này.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.