Đà Lạt đón chúng tôi bằng cái lạnh 12 độ C. Cái lạnh như đã thành “đặc sản” của xứ này, tựa những bàn tay buôn buốt choàng lấy thân thể tôi.
Một người đã quen với tính nết mưa nắng đành hanh ở Sài thành như tôi đặt chân xuống xứ này giữa lúc ngày còn chưa rạng, cảm giác da thịt như có những tảng nước đá áp lên, làm thân thể run rẩy co ro và hai hàm cắn chặt vào nhau khó nhọc trong từng câu nói.
Nhưng cái rét mướt ấy chỉ bịn rịn đến gần trưa cùng lúc trời ấm dần lên, và sẽ trở lại khi đêm buông mành từ những đỉnh đồi mù sương liêu trai, rập rờn.
Chúng tôi có ba người, tôi cùng hai người bạn, một chuyến đi cuối năm ngẫu hứng. Mật nắng mùa xuân vàng óng đầm đẫm trên những vạt rừng xanh đến hư vô, chảy ròng dọc những con dốc quanh co lác đác quả thông rụng.
Với tôi, những đường cong có lẽ đều gợi lên nét quyến rũ đâu đó, uyển chuyển đầy bí ẩn, đôi khi níu lòng người vào một cảm giác rộn rực khó tả với khao khát chinh phục. Ví như những cung đường đèo cong vút ở nơi này.
Cũng bởi vậy mà chúng tôi quyết định sẽ phượt trên những cung đường đèo Đà Lạt, khi dáng xuân vừa nghiêng vào bóng đồi thăm thẳm, trong điệp khúc thông reo như nhịp thở của núi đồi đồng vọng.
Về Đà Lạt, về nơi không khói bụi thị thành
Từ phố núi ngàn hoa, men theo ngả đường Ankroet quanh co ngút ngát, chúng tôi dừng lại ở thượng nguồn Suối Vàng, huyện Lạc Dương.
Gọi là Suối Vàng nhưng trước mắt tôi mặt nước cứ biếc xanh đến mê mải đăm đắm. Nắng sóng sánh tựa một thứ men rượu chưng cất từ đại ngàn rót tràn ngực đồi, thung lũng, thôi thúc người ta muốn đưa lưỡi ra thử nếm thứ nắng lành lạnh giao mùa tinh khiết, giữa bốn bề là rừng thông choáng ngợp dặt dìu bất tận. Không nhà cao bóng thẳm. Không khói bụi thị thành.
Chúng tôi được về với hoang vu, những trái tim tuổi trẻ xốn xang bởi tiếng suối lênh loang chảy mãi, tiếng chim rừng tự do rộn rịp, tiếng lá thông vi vút hoài ru lớp lớp trầm tích tháng năm, tất cả đều như đang thầm cất lên những tiếng gọi thao thiết của nguồn cội.
Phượt trên cung đường Ankroet, những quanh co lên xuống, những chập chùng núi đồi cứ khơi lên giữa tâm trí tôi câu hỏi: “Nếu đi hết những lối mòn ngoằn ngoèo kia thì ta sẽ về đâu?”. Một bản làng nhỏ bé xa xôi, hay hun hút cùng trời cuối đất?
Con người ta đôi khi cũng phải bước ra khỏi ngôi nhà của mình, thử ruổi rong cùng gió bụi đường xa để biết thế gian vô hạn nhường nào. Rừng thông mướt dài thẳng tắp, liêu phiêu sương núi phủ choàng bí ẩn đầy mê hoặc. Mênh mông cứ nối tiếp mênh mông.
Từ cung đường Ankroet nhìn xuống, hồ Suối Vàng len lỏi mềm mại nhấn chìm ánh mắt, và nắng xuân dát vàng từng phiến như một thứ trang sức của mặt hồ tĩnh lặng.
Chúng tôi dừng lại ở đập thủy điện Ankroet, đập thủy điện đầu tiên của nước ta. Bao mường tượng khiến tôi nhớ đến hình bóng những mặt hồ mùa xuân trầm mặc, hiện ra trong những dòng tiểu thuyết Nhật Bản, với nét ẩn nhẫn mơ màng mà sâu xa cuồn cuộn dòng chảy thời gian.
Sau đó, chúng tôi đến làng Cù Lần, rồi ngược về ghé lại một quán nhỏ ven đèo với tạm bợ vài cái bàn, ghế nhựa, vài chiếc võng dù cho khách ghé lưng thơ thới nhìn xuống mặt hồ như đang say ngủ. Neo vào cánh mũi nưng nức mùi thơm gà đồi nướng trên than ấm, cùng ống cơm lam còn thanh thao mùi của khói sương.
Chị chủ quán luôn tay luôn chân, vẻ lam lũ không che được nét duyên gái núi, làn da vẫn mươn mướt trắng mặc nắng gió lưng đèo, tạm biệt chúng tôi bằng một lời hẹn cùng nụ cười thuần hậu, trong veo.
Cảm ơn thiên nhiên nhiệm màu
Bao ngả đường thênh thang khoáng đạt mở ra những chân trời ước vọng năm mới. Mùa xuân đang dâng lên ngoài kia như tuổi trẻ tha thiết. Bóng xuân rạng đầy trong đáy mắt và trái tim thanh tân bổi hổi hát ca. Đứng giữa bao la này, tôi chợt nhớ thơ của thiền sư Thích Nhất Hạnh: “Thức dậy hôm nay em thấy trời xanh. Chắp tay em cám ơn đời mầu nhiệm”.
Cảm ơn thiên nhiên mầu nhiệm như phương thuốc lắng dịu thanh lành, để tôi được chậm rãi lắng nghe hơi thở của lòng mình, hơi thở của rừng xanh miên viễn.
Vào rừng, náu nương dưới bóng cội cành trăm tuổi, để biết nâng niu từng vạt rừng, từng mảng xanh màu sự sống cần mẫn sinh sôi.
Bước ra khỏi bao ràng rịt của đời sống này, những chần chừ lưỡng lự trước một chuyến đi xa, để cân bằng chính mình, đánh thức miền thẳm sâu nguồn cội.
Ơn đời vì ta còn được đi và được trở về, với hành lý gói ghém theo cả bao câu chuyện dọc đường, những dư ba rừng thẳm, gió bụi cao nguyên. Và sau cùng, ta sẽ đặt chân lên thềm nhà vào một ngày cuối chạp, nơi đó dáng mẹ đang bồi hồi nhen nhóm cả mùa xuân…
Cuộc thi “Khoảnh khắc Tết của tôi”
Cuộc thi Khoảnh khắc Tết của tôi là dịp để bạn đọc giới thiệu những khoảnh khắc đẹp, những trải nghiệm khó quên nhất trong dịp Tết cùng người thân, bạn bè.
Mỗi bài viết tối đa 1.000 chữ bằng tiếng Việt, khuyến khích kèm theo ảnh, chùm ảnh hoặc video.
Bài dự thi chia sẻ lại những điểm dừng chân lý tưởng, vùng đất độc đáo. Qua câu chuyện bạn kể, bạn sẽ giúp nhiều người có cơ hội được biết đến những vùng đất mới, những địa điểm không nên bỏ lỡ khi du xuân.
Đó có thể là bài viết ghi lại những khoảnh khắc bạn bè, người thân sum họp, ăn Tết và vui chơi cùng nhau.
Đó là những ghi chép, kể lại về những trải nghiệm cá nhân từ chuyến đi, chuyến công tác xa nhà trong những ngày Tết mà bạn từng trải qua.
Bài thi ảnh làm nổi bật vẻ đẹp của danh thắng, địa điểm hay vùng đất mà bạn đã tới. Đây là dịp để kể lại những sắc màu rực rỡ và khung cảnh đẹp của Việt Nam hoặc các quốc gia mà bạn đến.
Từ 25-1 đến hết 24-2, bạn đọc có thể gửi bài dự thi về địa chỉ [email protected].
Lễ trao giải và tổng kết dự kiến diễn ra vào tháng 3-2024. Cơ cấu giải thưởng bao gồm 1 giải nhất (15 triệu đồng tiền mặt và quà tặng), 2 giải nhì (7 triệu đồng và quà tặng), 3 giải ba (5 triệu đồng và quà tặng).
Chương trình có sự đồng hành của HDBank.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.