Thái Lan đặt mục tiêu là trung tâm du lịch thế giới, đón 80 triệu lượt khách
Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin tuyên bố, năm 2025 sẽ là một năm mang tính bước ngoặt với ngành du lịch nước này nhằm hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm du lịch thế giới.
Ông Adith Chairattananon, Tổng thư ký của Hiệp hội Du lịch Thái Lan (FETTA) cũng đã nêu ra các giải pháp nhằm giải quyết tình trạng du lịch quá tải ở các điểm đến.
Điều này được Thái Lan “nhìn thấy” từ thời điểm trước đại dịch khi nước này dự kiến sẽ đón hơn 80 triệu lượt khách vào năm 2027. Vị Tổng thư ký của FETTA cho rằng, các điểm du lịch lớn của nước này như Phuket, Samui và Pattaya đang đứng trên bờ vực của quá tải khách du lịch.
Ông Adith chỉ ra rằng, vào mùa du lịch cao điểm, Phuket thường xuyên chứng kiến tình trạng tắc nghẽn giao thông và thiếu nguồn nước sạch. Trong khi đó, sân bay quốc tế không còn chỗ trống cho các hãng hàng không.
Theo vị này, một trong những chiến lược quan trọng cần làm là thu hút khách du lịch từ trung tâm lớn tới những thành phố cấp 2 của Thái Lan. Đây là nơi có nhiều điểm tham quan tiềm năng, đủ không gian để đáp ứng lượng khách quốc tế đáng kể.
Tuy nhiên chính phủ cần có chính sách ưu đãi cho các hãng bay muốn khai thác đường bay thẳng tới những sân bay cấp tỉnh như U-tapao, Khon Kaen và Krabi.
Điều này sẽ giảm bớt tắc nghẽn giữa những cửa ngõ sân bay Phuket hay sân bay Suvarnabhum ở Bangkok, qua đó tạo cơ hội kinh doanh trong khu vực.
Các cơ quan chức năng liên quan cần đẩy mạnh kết nối giữa những sân bay với nội đô. Ví dụ việc thiếu phương tiện đi lại bằng xe bus công cộng từ sân bay U-tapao tới thành phố Pattaya khiến các hãng hàng không mới gặp khó vì tình hình hiện tại không thuận lợi cho hành khách.
Nhà điều hành du lịch kêu gọi đánh thuế khách 200.000 đồng/người
Trong khi đó, ông Surawat Akaraworamat, phó chủ tịch Hội đồng Du lịch Thái Lan (TCT), cho rằng, chính phủ nên cân nhắc và xem xét kế hoạch thu phí du lịch 300 baht (khoảng 200.000 đồng) mỗi khách quốc tế. Nguồn thu này giúp phát triển du lịch vì kế hoạch và tất cả các bước chuẩn bị đều đã hoàn tất.
Theo ông Surawat, nguồn quỹ này là điều thiết yếu, sẽ mang lại lợi ích cho việc phát triển cơ sở hạ tầng các thành phố tỉnh thành cấp 2. Qua đó những khu vực này có lợi thế hút khách du lịch ra khỏi những điểm đến quen thuộc đang bị quá tải, cải thiện những điểm tham quan đã xuống cấp do quá tải khách.
“Khoản thuế 300 baht/khách sẽ giúp các cơ quan quản lý du lịch nhận được nguồn ngân sách lớn hơn. Hàng năm, cơ quan du lịch chịu trách nhiệm phát triển nguồn cung chỉ nhận được khoản ngân sách khoảng 700 triệu baht không đủ duy trì các dự án cần thiết”, phó chủ tịch TCT nêu ý kiến.
Cũng theo vị này, mức thuế 300 baht không thể là trở ngại ngăn cản khách du lịch tới Thái Lan. Có thể so sánh với một số quốc gia phát triển du lịch bền vững khác như Bhutan thu thuế du lịch hơn 100 USD/khách/đêm.
“Nhiều quốc gia đang thu thuế khách du lịch thông qua vé máy bay hoặc cơ sở lưu trú. Thái Lan nên bắt đầu giai đoạn thử nghiệm thu thuế du lịch thông qua ứng dụng di động”, ông Surawat nói.
Du lịch là một trong những ngành trọng điểm của Thái Lan, chiếm khoảng 12% trong nền kinh tế trị giá 500 tỉ USD của quốc gia.
Năm nay nước này đang hướng tới mục tiêu đón từ 35 đến 40 triệu lượt khách quốc tế.
Chính quyền Thủ tướng Srettha Thavisin đặt mục tiêu đón hơn 80 triệu lượt khách vào năm 2027.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.