Chiều 24-9-2024, tại hội trường khách sạn Majestic, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) tổ chức hội thảo chủ đề “Thúc đẩy du lịch Việt Nhật: Sức hấp dẫn từ các sản phẩm du lịch độc đáo”.
Những nguyên nhân khách Nhật Bản giảm đi du lịch
Phát biểu mở đầu hội thảo, nhà báo Lê Thế Chữ – tổng biên tập báo Tuổi Trẻ – kể lại chuyện sau COVID-19, nhiều khách quốc tế đã quay lại Việt Nam để khám phá, trải nghiệm du lịch, nhờ vào những chính sách thuận lợi về thị thực, xuất nhập cảnh, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và các hoạt động quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới…
Nhà báo Lê Thế Chữ dẫn lại số liệu của Tổng cục Du lịch, thị trường khách quốc tế đến Việt Nam có sự thay đổi. Là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam ở nhiều lĩnh vực, Nhật Bản đang có lượng khách du lịch giảm trong thời gian qua, phục hồi chỉ bằng 60% so với thời điểm 2019. Điều này có nhiều nguyên nhân, chẳng hạn quảng bá xúc tiến điểm đến Việt Nam chưa đều; đồng yen mất giá; xu hướng du lịch gần, du lịch nội địa…
“Tìm giải pháp, hiến kế thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, đặc biệt là khách du lịch Nhật Bản, góp phần tăng trưởng kinh tế – xã hội là mục tiêu hội thảo. Đây cũng chính là hoạt động nằm trong khuôn khổ hoạt động của hai Chi hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản TP.HCM tại báo Tuổi Trẻ và Saigontourist Group”, nhà báo Lê Thế Chữ nói.
Sự kiện có sự hiện diện cơ quan ngoại giao Nhật Bản, cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, tập đoàn doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực vận chuyển hàng không, du lịch.
Vì thế ông kỳ vọng: “Hội thảo mang đến cho cơ quan quản lý, doanh nghiệp làm du lịch những góc nhìn đa chiều, khắc phục hạn chế, phát huy những mô hình hiệu quả, đặc biệt là các sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo, cùng những giải pháp cụ thể để thu hút du khách Nhật Bản đến với Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng”.
Ông Huỳnh Thanh Nhân, phó chủ tịch HĐND TP.HCM, chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Nhật tại TP.HCM, khẳng định vai trò của thị trường Nhật Bản trong quá trình phục hồi du lịch Việt Nam kể từ sau dịch.
Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, trước dịch COVID-19, Nhật Bản là một trong những thị trường khách lớn với 18 triệu người Nhật đi du lịch mỗi năm. Trong đó, Việt Nam từng là một trong những địa điểm du lịch yêu thích của du khách Nhật Bản với xấp xỉ 1 triệu lượt vào năm 2019.
Đặc biệt năm 2024, du lịch Việt Nam đặt mục tiêu thu hút 17-18 triệu lượt, trong đó thị trường Nhật Bản đóng một vai trò quan trọng. “Với đặc trưng của một đô thị lớn, nhiều nét văn hóa đặc trưng, thành phố có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, dịch vụ.
Và hiện nay, để đáp ứng cho xu hướng phát triển này, thành phố được chủ trương của Chính phủ phát triển hệ thống giao thông từ đường hàng không, đường sắt, đường bộ… để phát triển hạ tầng thu hút khách du lịch, các sản phẩm du lịch sông nước, du lịch nông nghiệp cao… Ngoài ra, thành phố và Nhật Bản cũng đang bàn cách có thêm nhiều sản phẩm văn hóa cho Lễ hội Việt – Nhật diễn ra mỗi năm.
Hội thảo ngày hôm nay được kỳ vọng sẽ cùng nhau tìm ra những sản phẩm dịch vụ đặc trưng, hấp dẫn du khách Nhật Bản”, ông Huỳnh Thanh Nhân nhấn mạnh.
Xác định sản phẩm du lịch hấp dẫn
Ông Hoàng Mạnh Đăng, tổng giám đốc Công ty cổ phần du lịch Apex Việt Nam, chuyên inbound cho khách Nhật, nói có nhiều yếu tố tác động đến lượng khách Nhật.
Theo thống kê của Chính phủ Nhật Bản, trước đại dịch, vào năm 2019, số lượng người dân Nhật Bản ra nước ngoài đạt hơn 20 triệu lượt, nhưng đến năm 2023 con số này chỉ còn 9,1 triệu, chưa tới 48% so với con số lượt khách xuất cảnh lịch sử của năm 2019.
Điều này đã cho thấy sự sụt giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh, những biến động kinh tế, sự mất giá của đồng yen và đặc biệt là chính sách kích cầu du lịch nội địa nhằm hỗ trợ ngành dịch vụ của Nhật Bản. Theo đó, năm 2023 Chính phủ Nhật bỏ tiền ra kích cầu nên hầu hết người Nhật Bản chọn đi du lịch trong nước.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã có những bước tiến khả quan khi đón nhận 583.470 lượt khách Nhật trong năm 2023, tương đương hồi phục hơn 61% so với con số trước đại dịch là 951.962 lượt khách vào năm 2019.
Con số này cũng khả quan hơn nếu so với các thị trường khác như Đài Loan và Hong Kong chỉ đạt lần lượt 42,8% và 32%. Mức phục hồi của khách Nhật so với thời điểm 2019 của Việt Nam chỉ đứng sau Hàn Quốc (trên 70%), và cao hơn Mỹ là 40%, Đức 52%, Tây Ban Nha 49%…
“Chúng ta vẫn có thể lạc quan với mức phục hồi này. Tuy nhiên, vấn đề là chất lượng phục hồi dòng khách này, đó là tăng thời gian kéo dài lưu trú và nâng cao mức chi tiêu du khách”, ông Hoàng Mạnh Đăng nói.
Theo doanh nghiệp này, cần có cách tiếp cận khác trong quảng bá, xúc tiến Nhật Bản. Đặc biệt, mùa cao điểm của khách Nhật từ tháng 10 kéo dài đến hết tháng 3. Từ tháng 4-9 là giai đoạn thấp điểm. Trong giai đoạn đó, ngay cả giai đoạn người Nhật có 3 kỳ nghỉ Golden week (cuối tháng 4), Obon (giữa tháng 8) và Silver week (giữa tháng 9), người Nhật cũng rất ít du lịch đến Việt Nam.
Để thu hút khách Nhật Bản đến Việt Nam, ông Đăng cho rằng hoạt động xúc tiến du lịch của Việt Nam đến thị trường này cần được tổ chức thường xuyên hơn và không chỉ tại các thành phố lớn như Tokyo, Osaka và Nagoya. Bên cạnh đó tổ chức các fam trip cho đại diện lữ hành, hàng không, truyền thông Nhật đến khảo sát các tuyến điểm và tài nguyên du lịch mới.
Một phân khúc tiềm năng khác là du lịch học đường. Nhiều trường học tại Nhật Bản thường tổ chức các chuyến du lịch cho học sinh, sinh viên nhằm khám phá văn hóa và học hỏi kiến thức mới, đặc biệt là các tour du lịch học tập tìm hiểu về văn hóa, lịch sử và sinh thái, các hoạt động trải nghiệm gắn liền với 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liêp Hiệp Quốc cho đối tượng học sinh THPT Nhật Bản.
Và cuối cùng là khai thác thị trường khách lớn tuổi lưu trú dài hạn. “Theo tôi, đây là một phân khúc đầy tiềm năng khác nữa mà TP.HCM nên nhắm đến là khách lưu trú lớn tuổi người Nhật.
Hiện tại chính sách thị thực lưu trú dài dạn cho người lớn tuổi (long stay visa) vẫn chưa thông thoáng là điểm nghẽn lớn nhất để có thể khai phá thị trường vô cùng tiềm năng này”, ông Đăng nói thêm.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ hoạt động của hai Chi hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản TP.HCM tại báo Tuổi Trẻ và Saigontourist Group.
Hai năm mở cửa lại du lịch sau đại dịch COVID-19, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã phục hồi tích cực nhờ vào những chính sách tạo thuận lợi về thị thực, xuất nhập cảnh, sự đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và các hoạt động quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới…
Tuy nhiên, theo báo cáo Tổng cục Du lịch, cơ cấu thị trường khách quốc tế đến Việt Nam có sự thay đổi, Nhật Bản – một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam ở nhiều lĩnh vực – đang có lượng khách du lịch giảm trong thời gian qua, phục hồi chỉ bằng 60% so với thời điểm 2019. Nhiều ý kiến đã chỉ ra nguyên nhân là do việc quảng bá xúc tiến điểm đến Việt Nam chưa đều đặn, đồng thời đồng yen mất giá,…
Nhằm tìm kiếm các giải pháp để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, đặc biệt là khách du lịch Nhật Bản, góp phần tăng trưởng kinh tế – xã hội, báo Tuổi Trẻ phối hợp Saigontourist Group đồng tổ chức hội thảo “Thúc đẩy du lịch Việt – Nhật: Sức hấp dẫn từ các sản phẩm du lịch độc đáo”.
Sự kiện có sự hiện diện cơ quan ngoại giao Nhật Bản, cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, tập đoàn doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực vận chuyển hàng không, du lịch inbound: Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM, Sở Du lịch TP.HCM; Lữ hành Saigontourist, Hãng hàng không Vietjet, Chi hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản TP.HCM, Trường trung cấp Du lịch & Khách sạn Saigontourist, đại diện TikTok APAC, Google, Travel Blogger…
Khuyến mãi dành riêng cho du khách Nhật đến Việt Nam
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.