“Hi vọng ghé thăm Việt Nam lần nữa”
Kết thúc chuyến du lịch Việt Nam, Roshni, 27 tuổi, trở về New Delhi, với tâm trạng hào hứng. Trên các trang mạng xã hội của mình, nữ du khách Ấn Độ liên tục đăng tải những hình ảnh, thước phim trong hành trình 5 ngày 4 đêm khám phá Việt Nam.
“Tôi hi vọng có thể ghé thăm Việt Nam lần nữa”, từ Ấn Độ, Roshni trả lời phóng viên Dân trí.
Roshni là một trong 4.500 nhân viên thuộc công ty dược phẩm Sun Pharmaceutical của một tỷ phú Ấn Độ. Họ đến Việt Nam du lịch kết hợp làm việc (MICE) từ cuối tháng 8, đầu tháng 9, chia thành những đoàn nhỏ lần lượt đến Hà Nội trong những ngày khác nhau.
Chương trình của từng đoàn kéo dài 5 ngày 4 đêm, tham quan Lăng Bác, Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội), vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) và khu danh thắng Tràng An (Ninh Bình).
Ngoài ra, Roshni còn được khám phá chợ đêm phố cổ Hà Nội, phố cà phê đường tàu ở Phùng Hưng – Trần Phú, thưởng thức đồ ăn Việt Nam.
“Hành trình thật tuyệt vời. Tôi cảm thấy may mắn khi được khám phá đất nước của các bạn – đất nước Việt Nam xinh đẹp”, nữ du khách nói.
Bên cạnh hoạt động du lịch, điểm nhấn nổi bật của đoàn 4.500 khách Ấn Độ là 16 đêm Gala Awards (trao thưởng) và âm nhạc điện tử tại các khách sạn sang trọng bậc nhất Hà Nội.
Chị Nguyễn Thị Hồng (38 tuổi, ở Phú Thọ) là một trong 30 nhân viên người Việt của Sun Pharmaceutical, cùng 4.500 nhân viên Ấn Độ vinh dự nhận giải thưởng “có thành tích vượt trội trong năm qua”.
Phần thưởng này của chị do các lãnh đạo cấp cao của tập đoàn trao tặng vào ngày 5/9, tại khách sạn Melía Hà Nội.
Chị Hồng cho biết đến với Sun Pharmaceutical như một cơ duyên, giúp phát triển bản thân tốt hơn. Chị đã gắn bó với công ty 5 năm, quản lý tại 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Các mặt hàng kinh doanh chủ yếu là thuốc về ung thư, tiêu hóa, thần kinh, huyết áp, tim mạch.
“Lần đầu tiên nhận ngôi sao danh giá, được vinh danh cùng các bạn bè quốc tế, tôi rất xúc động”, người phụ nữ nói.
Những con số chưa từng tiết lộ
Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Giám đốc ban Tiếp thị – Công ty du lịch Vietravel, đơn vị đón tiếp đoàn 4.500 khách Ấn Độ, nhận định việc đón tiếp thành công đoàn khách này là minh chứng cho thấy năng lực tổ chức đoàn lớn với tiêu chuẩn cao của đơn vị.
“Đây không chỉ là cột mốc quan trọng đối với chúng tôi mà còn là cơ hội để khẳng định Việt Nam đang dần trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách Ấn Độ nói riêng và quốc tế nói chung, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo (MICE)”, bà Khanh nói.
Công ty du lịch Vietravel đã dành 3 tháng để chuẩn bị cho đoàn khách của Sun Pharmaceutical.
Hai bên đã có những cuộc họp và thảo luận liên tục trong suốt giai đoạn lên kế hoạch, từ việc tìm hiểu nhu cầu cụ thể của đoàn đến điều chỉnh các dịch vụ để phù hợp với yêu cầu. Quá trình này bao gồm việc tổ chức lộ trình, đảm bảo dịch vụ, cơ sở vật chất và các tiện nghi đáp ứng yêu cầu của từng du khách.
Theo ghi nhận từ các bộ phận liên quan, tổng số chuyến bay (cả lượt đi và lượt về) để chuyên chở 4.500 khách Ấn Độ là hơn 55 chuyến bay đến từ các hãng khác nhau. Tổng số lượt xe đưa đón đoàn khách trong hành trình khám phá Việt Nam là gần 400 lượt.
Với số lượng khách lớn, đơn vị đã bố trí khoảng 130 hướng dẫn viên, trung bình mỗi đoàn có khoảng 25 hướng dẫn viên.
Đội ngũ hướng dẫn viên đều là những nhân sự cốt cán, có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, sở hữu kiến thức chuyên sâu về văn hóa Ấn Độ, có kỹ năng giao tiếp tiếng Anh lưu loát.
Xuyên suốt những ngày đoàn khách Ấn Độ tham quan và nghỉ dưỡng, đơn vị cũng hỗ trợ thêm các dịch vụ phiên dịch khi cần thiết.
Đây được xem là đoàn khách với quy mô và số lượng kỷ lục, đặt ra nhiều thách thức đảm bảo khâu điều hành đối với đơn vị.
“Đối với các du khách Ấn Độ, vấn đề với món ăn trong đó nhấn mạnh về tính chay – mặn trong quá trình chế biến, kiêng các loại thịt tùy theo tín ngưỡng và tôn giáo, chúng tôi đều linh động để điều chỉnh và sắp xếp”, bà Khanh nói.
Phép thử với ngành du lịch MICE Việt Nam
Trên thực tế, Vietravel nhận thấy mảng du lịch MICE của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, với nhiều tiềm năng vượt trội nhờ vào cơ sở hạ tầng hiện đại, sự đa dạng về điểm đến và dịch vụ chất lượng cao.
Các doanh nghiệp đã và đang nỗ lực xây dựng những chương trình chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu của các đoàn khách lớn từ khắp nơi trên thế giới.
“Đặc biệt, với sự gia tăng về số lượng khách hàng từ các thị trường trọng điểm như Ấn Độ, chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hàng đầu cho du lịch MICE trong khu vực châu Á”, đại diện đơn vị cho hay.
PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu du lịch (Cục Du lịch Quốc gia) cũng đánh giá việc 4.500 khách Ấn Độ sang Việt Nam là tin vui, tín hiệu tích cực cho ngành du lịch. Bởi Ấn Độ là thị trường mới chưa khai thác trọn vẹn trong nhiều năm qua, thậm chí nghiên cứu về thị trường này còn nhiều hạn chế.
Sự bùng nổ của khách du lịch Ấn Độ thể hiện sự quan tâm của thị trường này đối với Việt Nam.
Chuyên gia đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị lữ hành, công ty, chính quyền tại Hà Nội, Ninh Bình và Quảng Ninh trong việc phối hợp đón tiếp chu đáo đoàn 4.500 khách Ấn Độ.
“Họ ý thức được đoàn khách này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn tạo ra hình ảnh đẹp, thân thiện của điểm đến Việt Nam, qua đó góp phần phát triển, khai thác bền vững thị trường này”, ông Lương nói.
Ông Phạm Hà, Chủ tịch kiêm CEO của Lux Group, nhận định việc đón đoàn 4.500 khách của tỷ phú Ấn Độ được xem là “phép thử”, “cú hích” với ngành du lịch MICE tại Việt Nam.
Theo ông, du lịch MICE là lĩnh vực mới mẻ, Việt Nam đang ở giai đoạn đầu phát triển của ngành này nên còn nhiều bỡ ngỡ.
Nhìn trên bản đồ du lịch Việt Nam, 60-70% lượng khách quốc tế đến từ châu Á, với thị trường gần như Đông Bắc Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ…
Ông Hà cho rằng đây là lợi thế để thu hút và tổ chức du lịch MICE. Còn các thị trường như Mỹ, Canada, các nước Đông Âu và Tây Âu có thể hướng đến nhóm khách MICE sang trọng, nhóm nhỏ từ 100-200 khách, tối đa 500 khách.
Tiềm năng thu hút khách Ấn Độ chi tiêu cao
Theo PGS.TS Phạm Trung Lương, Ấn Độ là thị trường khác hẳn so với các dòng khách truyền thống khác, từ thói quen ăn uống, trải nghiệm du lịch, đến văn hóa tín ngưỡng…
Đây là thị trường tiềm năng và lâu dài, song cần được nghiên cứu bài bản và có lộ trình rõ ràng. Du lịch nói chung vận hành theo cơ chế thị trường, không thoát khỏi quy luật cung – cầu.
Việt Nam cần có những nghiên cứu sâu rộng về các vấn đề “còn bỏ ngỏ”, hiểu hơn khách du lịch Ấn Độ, để có sự chuẩn bị tốt nhất, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng kỳ vọng của du khách.
Theo ông Lương, Việt Nam cần có những tổng kết thực tiễn về quản lý nhà nước và kinh doanh qua việc tiếp đón đoàn 4.500 khách để có thể có thêm thông tin về đặc điểm thị trường.
Từ đó, bổ sung cho những nghiên cứu thị trường Ấn Độ sâu và bài bản để có một chiến lược lâu dài, bền vững đối với việc khai thác thị trường này.
“Khi đó, các dòng khách Ấn Độ đến Việt Nam sẽ ổn định và bền vững hơn”, ông Lương nói.
Còn theo ông Phạm Hà, khi tham dự các hội chợ du lịch quốc tế, ông nhận thấy du khách chưa biết đến thương hiệu du lịch MICE Việt Nam. Do đó, họ tỏ ra lưỡng lự khi lựa chọn tổ chức các đoàn khách du lịch MICE đến Việt Nam.
“Thực chất là do Việt Nam chưa định vị là một điểm đến của du lịch MICE”, ông Hà nói.
Ông dẫn chứng đối thủ cạnh tranh là Thái Lan. Từ lâu, họ đã định vị là quốc gia hàng đầu về du lịch MICE tại châu Á, với sự kết nối chặt chẽ giữa cơ quan nhà nước là Tổng cục Du lịch Thái Lan với các nhà cung cấp dịch vụ; việc quảng bá, truyền thông rất tốt tại tất cả hội chợ quốc tế.
Trong khi đó, Việt Nam có tiềm năng du lịch lớn, có bờ biển dài, những trung tâm hội nghị quốc tế đã tổ chức những sự kiện lớn và đón nhiều đoàn khách… nhưng chưa thể phát huy thế mạnh của du lịch MICE.
“Hiện nay, các nhà cung cấp dịch vụ, lữ hành và một số địa phương trong nước đã liên kết tốt để phát triển du lịch MICE. Do đó, chúng ta cần quảng bá, xúc tiến mạnh mẽ ra thị trường quốc tế, tiếp cận đúng đối tượng khách du lịch MICE thế giới để phát triển loại hình du lịch này tương xứng với tiềm năng, thế mạnh”, ông Phạm Hà nhấn mạnh.
Theo ông, Việt Nam cũng cần có cơ quan chuyên trách mảng MICE thì mới phát triển, nói cùng ngôn ngữ khách MICE, các nhà tổ chức, hội chợ du lịch và sản phẩm MICE phù hợp.
Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh đánh giá thành công đón tiếp đoàn 4.500 khách Ấn Độ là kết quả của chiến lược mở rộng hợp tác quốc tế, tiên phong khai thác thị trường qua chuỗi hoạt động quảng bá du lịch Việt Nam mạnh mẽ trong nhiều năm trở lại đây.
“Trong thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh quảng bá hình ảnh du lịch quốc gia đến thị trường Ấn Độ để đa dạng hóa đối tượng khách quốc tế, thu hút nhiều đoàn khách số lượng lớn, mức chi tiêu cao”, bà Khanh nói.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.