Nằm cách thành phố Châu Đốc (An Giang) khoảng 30km, rừng tràm Trà Sư với diện tích 845ha vùng lõi và 643ha vùng đệm nằm trong hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam, được công nhận là khu bảo vệ cảnh quan năm 2005.
Đến với rừng tràm Trà Sư, du khách có cơ hội tham quan, trải nghiệm ngắm cảnh sắc thiên nhiên trên sông bằng xuồng chèo, vỏ lãi.
Rừng tràm Trà Sư là ngôi nhà của hơn 70 loài chim, trong đó có 2 loài chim quý hiếm đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam là giang sen (Mycteria leucocephala) và điên điển phương Đông (Anhinga melanogaster).
Ban đầu với mục đích trồng rừng để chống mặn, ngăn lũ đầu nguồn. Từ một vùng trũng hoang hóa, bị nhiễm phèn nặng đã được Lâm trường Tịnh Biên trồng tràm thử nghiệm, sau nhiều năm cải tạo và phát triển, nơi đây đã trở thành “lá phổi xanh” của An Giang và được nhiều du khách trong và ngoài nước tham quan.
Nhiều du khách trầm trồ trước vẻ đẹp hút hồn của phong cảnh và cuộc sống của nhiều loài chim nơi đây.
Chị Cao Hoàng Yến (23 tuổi, An Giang) và người bạn đến từ Lào đã nhiều lần ghé thăm khu du lịch rừng tràm Trà Sư.
“Lúc nào đến đây cảm giác cũng như ban đầu. Cảnh sắc thiên nhiên và những trải nghiệm thú vị khiến tôi không bao giờ quên”, chị Yến nói.
Ông Lê Hoàng Ân, Giám đốc khu du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư cho biết, hoạt động bảo tồn rừng và đa dạng sinh học tại khu du lịch bao gồm việc duy trì môi trường sống cho các loài động, thực vật đặc hữu. Bên cạnh việc phát triển du lịch, chúng tôi luôn đặt việc bảo tồn thiên nhiên lên hàng đầu.
Ông Ân cho biết thêm, vào mùa nước nổi, du khách tham quan chiếm đến 30% lượng du khách của năm.
Bên cạnh đó, rừng tràm Trà Sư được biết đến bởi những bối cảnh phục dựng khu chợ nổi miền Tây trong nhiều phim điện ảnh nổi tiếng.
Với kiến trúc độc đáo và dài 10km, cầu tre vạn bước đã được ghi nhận là cầu tre dài nhất Việt Nam.
Vào mùa nước nổi tại rừng tràm Trà Sư, du khách có thể thưởng thức các món ăn đặc trưng như: cá linh, bông điên điển, cá lóc, lẩu mắm… tất cả đều mang nét ẩm thực đậm chất miền Tây.
Không chỉ phong phú về động vật, rừng tràm Trà Sư còn là nơi tụ họp của 140 loài thực vật.
Rừng tràm Trà Sư không chỉ là tài sản thiên nhiên quý giá mà còn là biểu tượng của sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên. Từ những nguồn lợi tự nhiên, rừng tràm Trà Sư hướng tới phát triển bền vững để mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương mà không làm tổn hại đến môi trường.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.