Dự án du lịch trải nghiệm bị lưu đày tại khu thắng cảnh Kính Bạc Hồ (Hắc Long Giang, Trung Quốc) đang gây tranh cãi trên mạng xã hội – Ảnh: SCMP
Ý tưởng tour du lịch lưu đày táo bạo
Theo trang Sina, vào giữa tháng 10, tài khoản Weibo chính thức của Sở Văn hóa và Du lịch tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc đã đăng tải một video, mời các cư dân mạng thảo luận về “Dự án tour du lịch lưu đày ở Ninh Cổ Tháp” của khu thắng cảnh Kính Bạc Hồ.
Video tiết lộ một phần nội dung dự án này, chẳng hạn như thiết kế tuyến du lịch dọc theo con đường lưu đày của người xưa, cho du khách trải nghiệm đeo gông cùm. Du khách đi một mình có thể trải nghiệm gông đơn, còn các cặp đôi hoặc nhóm bạn có thể trải nghiệm gông đôi.
Khu du lịch sẽ xây dựng một Ninh Cổ Tháp theo phong cách cổ kính, kèm theo các hoạt động vui chơi trên băng tuyết.
Một nhân viên của khu du lịch Kính Bạc Hồ đang trình bày về ý tưởng tour du lịch lưu đày Ninh Cổ Tháp – Ảnh: Weibo
Ý tưởng tour du lịch này là kết hợp tham quan khu thắng cảnh với hình thức “diễn xuất tình huống và tương tác khán giả” dựa trên tình huống trong bộ phim truyền hình Hậu cung Chân Hoàn truyện để mang đến cho du khách trải nghiệm nhập vai. Các sản phẩm lưu niệm cũng khá độc đáo, với gông cùm màu hồng, xích chân và quần áo in chữ “Tù”.
Ngày 15-10, Tập đoàn Du lịch Kính Bạc Hồ cũng đã đăng tải một đoạn video ngắn quảng bá dự án này.
Ngày 31-10, Sina đã liên hệ với ban quản lý khu du lịch Kính Bạc Hồ để tìm hiểu về tiến độ của dự án. Nhân viên trực tổng đài cho biết hiện chưa nhận được thông báo nào về việc triển khai. Tất cả mọi thứ mới chỉ dừng lại ở kế hoạch, chưa có thông báo cụ thể về cách thức và thời gian thực hiện. Khu du lịch cũng chưa bắt đầu xây dựng bất kỳ cơ sở vật chất nào liên quan.
Nhân viên này nói: “Hiện tại chúng tôi chưa nhận được bất kỳ thông báo nào, vì vậy cũng không thể cung cấp thêm thông tin”.
Ninh Cổ Tháp trong lịch sử
Ninh Cổ Tháp không phải là một tòa tháp, mà là tên gọi cũ của thành phố Ninh An (Hắc Long Giang). Dưới thời nhà Thanh, Ninh Cổ Tháp là nơi lưu đày tội nhân, một vùng đất khắc nghiệt. Ninh Cổ Tháp được biết đến rộng rãi là nhờ bộ phim Hậu cung Chân Hoàn truyện do Tôn Lệ đóng vai chính, trong đó có cảnh hoàng đế lưu đày cha của Chân Hoàn cùng gia quyến đến Ninh Cổ Tháp. Cảnh phim này đã trở thành một bước ngoặt lớn trong mối quan hệ của hai người.
Trong lịch sử, việc bị đày đến Ninh Cổ Tháp không hề thú vị, mà thực sự có thể nguy hiểm đến tính mạng. Nhiều nhân vật nổi tiếng đã bị lưu đày đến đây, trong đó có cha của Trịnh Thành Công là Trịnh Chi Long, gia đình của đại văn hào Kim Thánh Thán, gia đình của nhà tư tưởng Lã Lưu Lương, gia đình Phương Củng Kiền và Phương Hiếu Tiêu (An Huy), hai cha con Dương Việt và Dương Tân (Chiết Giang), nhà thơ nổi tiếng Ngô Triệu Khiên, nhà Phật học Hàm Khả, nhà văn Trương Tấn Ngạn…
Một bức ảnh ghi lại khoảnh khắc mô tả cảnh tù nhân bị lưu đày đến Ninh Cổ Tháp trong thời nhà Thanh – Ảnh: Weibo
Trong số những người bị lưu đày đến Ninh Cổ Tháp, Ngô Triệu Khiên là người đã sống 22 năm ở vùng đất này. Qua thơ văn của Ngô Triệu Khiên, hậu thế được biết đến cuộc sống thực sự của những người bị lưu đày ở Ninh Cổ Tháp.
Năm Thuận Trị thứ 18 (1661), trong thư gửi cha mẹ, Ngô Triệu Khiên viết: “Ninh Cổ lạnh lẽo, khổ sở bậc nhất thiên hạ. Từ đầu xuân đến giữa tháng 4, gió lớn như sấm sét, cách nhau gang tấc cũng không thấy rõ. Từ tháng 5 đến tháng 7, mưa liên miên. Đến giữa tháng 8 đã có tuyết rơi dày. Đầu tháng 9 sông đóng băng. Tuyết vừa rơi xuống đất đã đóng thành băng cứng. Nhìn xa ngàn dặm chỉ thấy tuyết trắng”.
Điều đáng sợ nhất khi bị lưu đày đến Ninh Cổ Tháp chính là hành trình gian khổ. Theo cuốn sách chuyên khảo Lịch sử người lưu đày Đông Bắc, số lượng người bị lưu đày đến vùng Đông Bắc thời nhà Thanh lên tới hơn 1,5 triệu người. Do vị trí xa xôi hẻo lánh của Ninh Cổ Tháp, những người bị lưu đày đến nửa đường đã bị hổ sói ăn thịt, bị khỉ vượn bắt đi…
Sau khi đến Ninh Cổ Tháp, cuộc sống sẽ dễ dàng hơn. Trong số những người bị lưu đày từ Trung Nguyên đến đây, nhiều người là văn nhân, quan lại, dần dần hình thành nên văn hóa lưu đày ở vùng Đông Bắc.
Thời nhà Thanh, không ít văn nhân, học giả đã bị lưu đày đến Ninh Cổ Tháp vì án liên quan đến văn học. Trong số đó, không biết bao nhiêu vụ án oan sai, nhiều người bị lưu đày là nạn nhân của đấu đá chính trị, bị kẻ thù hãm hại. Vô số người đã chết trên đường đến Ninh Cổ Tháp. Lịch sử lưu đày đến Ninh Cổ Tháp và vùng Đông Bắc không phải là một câu chuyện với kết thúc có hậu, thú vị.
Dự án tour du lịch lưu đày gây tranh cãi
Dù chưa chính thức ra mắt, dự án đã thu hút sự quan tâm và tranh luận rộng rãi trên mạng. Trên diễn đàn thảo luận của Sở Văn hóa và Du lịch tỉnh Hắc Long Giang, một số cư dân mạng tỏ ra thích thú: “Trước đây, những phạm nhân bị lưu đày đến Ninh Cổ Tháp có lẽ nằm mơ cũng không ngờ rằng ngày nay lại có người bỏ tiền ra để trải nghiệm điều này”. Họ còn bày tỏ ý muốn được trải nghiệm, cho rằng ý tưởng này rất mới lạ và tạo được sức hút.
Tuy nhiên dự án cũng vấp phải nhiều chỉ trích, cho rằng việc biến những nỗi đau lịch sử của Ninh Cổ Tháp thành trò giải trí là quá nông cạn. Việc triển khai dự án này không có lợi cho việc giúp du khách hiểu biết về lịch sử mà đi ngược lại với mục đích ban đầu của du lịch văn hóa.
Trước những lời phê bình, không ít cư dân mạng phản bác: “Chỉ là một dự án du lịch thôi mà, có cần phải làm quá lên như vậy không?”, “Nếu thấy không phù hợp thì đừng đi, có gì mà phải ồn ào?”.
Dù chưa chính thức ra mắt, dự án tour du lịch lưu đày ở Ninh Cổ Tháp đã thu hút sự quan tâm và tranh luận rộng rãi trên mạng – Ảnh: Sohu
Trong những năm gần đây, du lịch trải nghiệm nhập vai tại Trung Quốc rất được ưa chuộng. Việc kết hợp các bộ phim truyền hình, chương trình giải trí nổi tiếng với văn hóa địa phương để tạo ra các dự án du lịch đã trở nên phổ biến hơn. Chẳng hạn như dịp Quốc khánh Trung Quốc năm nay, Vườn bách thảo Giang Tô đã kết hợp với bộ phim truyền hình Liên Hoa Lâu để tạo ra dự án du lịch trải nghiệm nhập vai theo phong cách giang hồ, nhận được nhiều lời khen ngợi từ người hâm mộ bộ phim.
Tuy nhiên cũng có không ít dự án du lịch trải nghiệm nhập vai bị chỉ trích là gây phản cảm. Ví dụ như một khu du lịch ở Hà Nam đã cho phép du khách trải nghiệm đóng giả lính Nhật Bản, bị cho là vượt quá giới hạn.
Hắc Long Giang có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, bao gồm núi tuyết, rừng và nhiều thắng cảnh hùng vĩ, xinh đẹp.
Nhiều chuyên gia cho rằng Tập đoàn Du lịch Kính Bạc Hồ muốn khai thác tour du lịch lưu đày này thì thay vì biến những đau khổ của người xưa thành chiêu trò câu khách thì nên khai thác sâu văn hóa lưu đày, khơi dậy các giá trị văn hóa và lịch sử thực sự của Ninh Cổ Tháp – trung tâm chính trị, quân sự biên giới phía Đông Bắc thời nhà Thanh.
Hiện tại dự án tour du lịch lưu đày Ninh Cổ Tháp vẫn chưa chính thức được triển khai, kết quả cuối cùng như thế nào vẫn còn phải chờ các nhà quản lý xem xét.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.