Ngày 18/8, Sở VHTT-DL Trà Vinh phối hợp với Hội trường Thống Nhất tổ chức Hội nghị quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh Trà Vinh tại Dinh Độc lập, TP.HCM.
Đây cũng là một trong những sự kiện nhằm triển khai chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024.
Nhiều hoạt động quảng bá du lịch Trà Vinh được diễn ra đồng loạt dành cho du khách tham quan như không gian biểu diễn văn hóa nghệ thuật với các loại hình như múa Rô-băm, múa Áp-sa-ra, múa gáo, sân khấu Dù kê, nghệ thuật diễn tấu dàn nhạc ngũ âm Khmer, đờn ca tài tử và các ca khúc về quê hương Trà Vinh.
Đặc sản, sản phẩm OCOP Trà Vinh được giới thiệu và bày bán tại Dinh Độc lập, TP.HCM. Ảnh: Hồng Phúc
Không gian trưng bày tập trung giới thiệu sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP đặc trưng, tiêu biểu của Trà Vinh như kẹo dừa, dừa sáp, kẹo dừa sáp, mật dừa… Đặc biệt, một số sản phẩm OCOP 5 sao (OCOP cấp quốc gia) trên địa bàn Trà Vinh như mật hoa dừa, đường hoa dừa, dừa sáp sợi được nhiều du khách thích thú, chọn mua sử dụng và làm quà.
Đáng chú ý, ngày hội còn có không gian văn hóa ẩm thực, trình diễn và giới thiệu các món ăn đặc trưng của địa phương và các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Trà Vinh như bún nước lèo, bún suông, bánh xèo, bánh lá, chè bưởi và các loại bánh dân gian… phục vụ khách tham quan.
Nhiều sản phẩm du lịch mới lạ trên địa bàn Trà Vinh như Cồn Hô, Cồn Chim, Cồn Ông… với thời gian trong ngày, vài ngày cũng được địa phương giới thiệu cho du khách và các doanh nghiệp lữ hành.
TS. Dương Đức Minh – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch, cho biết du lịch Trà Vinh hiện nay không chỉ có Ao Bà Om hoặc loanh quanh vài điểm đến mà đã được du khách biết đến với nhiều sản phẩm hơn.
Trong đó, nổi lên các điểm đến du lịch cộng đồng như Cồn Chim, Cồn Hô, Cồn Ông… Điểm độc đáo giúp du lịch Trà Vinh ghi dấu ấn với du khách chính là phát triển theo hướng “thuận thiên”, nông dân làm du lịch theo kiểu “người quê chỉ có tấm lòng”, “đón khách như đón người thân trở về”…
Theo ông Minh, du lịch Trà Vinh rất nhiều tiềm năng để phát triển theo hướng du lịch thuận thiên, dựa vào thiên nhiên tạo ra những giá trị cho cộng đồng và giá trị bền vững, gắn mới môi trường tự nhiên. Điều này cũng đúng với hình ảnh một Trà Vinh “thuận thiên”, nhiều cây xanh đã được du khách biết đến.
Ông Dương Quang Sum – Giám đốc Sở VHTT-DL Trà Vinh, cho biết tỉnh đã xây dựng và đưa vào khai thác các tuyến điểm du lịch được các doanh nghiệp lữ hành chọn là điểm đến khi đến với đồng bằng sông Cửu Long như tuyến du lịch văn hóa, cộng đồng “TP.Trà Vinh – Làng Văn hóa, Du lịch Khmer – Cồn Chim”; tuyến du lịch sinh thái “TP.Trà Vinh – Làng Văn hóa, Du lịch Khmer – Cồn Hô”; tuyến du lịch văn hóa – sinh thái “Tiểu Cần – Cầu Kè – Trà Cú”; tuyến du lịch “TP.Trà Vinh – Cầu Ngang – Cồn Ông – biển Ba Động”.
Dự kiến vào năm 2027, cầu Đại Ngãi bắc qua sông Hậu, nối liền tỉnh Trà Vinh và tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau. Sau khi cầu hoàn thành sẽ rút ngắn được khoảng 80km từ Cà Mau đi qua Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu đến TP.HCM, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch Trà Vinh đột phá phát triển trong thời gian tới.
Theo ông Sum, hiện Trà Vinh rất chú trọng đến việc liên kết với các tỉnh, thành trong cả nước nhất là TP.HCM và các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long.
Ông cam kết sẽ hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp lữ hành đến tìm hiểu cơ hội đầu tư du lịch và đưa khách đến tỉnh Trà Vinh.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.