Từ câu chuyện ‘Treo tôm hùm bán cá viên chiên’: Lễ hội hay hội chợ thập cẩm?, bạn đọc Nguyễn Vũ Mộc Thiêng chia sẻ thêm góc nhìn.
Lạm dụng lễ hội
Theo từ điển tiếng Việt, “Lễ hội là loại hình văn hóa, tâm linh, sinh hoạt cộng đồng tiêu biểu của người Việt. Lễ hội bao gồm hai phần: lễ với nghi thức, vật tế riêng và hội với các trò chơi dân gian, các cuộc thi thố”.
Tuy nhiên, lễ hội hiện đang bị lạm dụng quá mức. Sự kiện gì cũng lễ hội, dù không hề có lễ. Thứ gì cũng thành lễ hội: từ trang phục, nhạc cụ, nguyên vật liệu, đến ẩm thực, các món ăn…
Các chuyên gia du lịch khẳng định lễ hội bát nháo, không quản lý được nội dung lẫn chất lượng là một trong những nguyên nhân cản trở du lịch Việt tăng tốc.
Rất ít lễ hội có hiệu quả thực sự về du lịch, doanh thu không đáng kể, thậm chí ngân sách phải bù lỗ bạc tỉ. Đáng buồn, các địa phương vẫn vô tư gom số người tham gia các lễ hội đám đông, phần lớn là người dân tại chỗ vào lượng khách du lịch.
Phải chăng đây là nguồn cơn để các địa phương quanh năm tổ chức lễ hội, “tự sướng” với lượng khách miễn phí?
Những lễ hội kiểu tôm hùm Cam Ranh khá phổ biến. Có bạn đọc đề nghị sửa tên thành lễ hội “Tôm lừa”. Cũng như “Đoàn tàu, nhà xe, khách sạn, nhà hàng… 5 sao”. Sự lập lờ khiến không ít người mắc lỡm. 5 sao là tên gọi chứ không phải chứng nhận chất lượng dịch vụ.
Có người tới dự hậm hực bảo lễ hội “treo đầu dê bán thịt chó”. Nói vậy không đúng, giá thịt dê và chó hiện nay tương đương, trên dưới 300.000 đồng/kg. Phải nói là “treo đầu dê, bán thịt gà công nghiệp” mới đúng, vì giá chỉ bằng 1/5.
Nên thay từ lễ hội bằng “những ngày hội” hoặc festival, bớt những từ đại ngôn. Mục tiêu đặt ra cần cụ thể, vừa sức. Đã đến lúc phải mạnh tay “gạn đục khơi trong”, dẹp các lễ hội bát nháo, cần tinh hơn đông.
Lễ hội tôm hùm Cam Ranh 2024 với chủ đề “Vịnh xanh bừng sáng”, mong muốn thu hút hàng ngàn du khách đến thưởng thức các món ăn đặc trưng của vương quốc tôm hùm. Lễ hội tiếp nhận sở hữu kỷ lục “120 món ngon từ tôm hùm”.
Không ai, kể cả đầu bếp chế biến nhớ nổi. Món nào, địa phương nào cũng ganh đua kỷ lục hàng trăm món của hàng trăm loại. Du khách chỉ cần dăm ba món ngon để thưởng thức khi đến thăm thú địa phương nào đó, thì giờ đâu mà đọc sớ hàng trăm món. Và chắc gì đã có, vì nhiều món chỉ làm cho có, làm để lấy kỷ lục.
Qua kiểm chứng thực tế, có thể nói lễ hội tôm hùm Cam Ranh chẳng những không đạt mục tiêu mà còn hiệu ứng ngược. Vì nói một đằng làm một nẻo, gây không ít nghi ngờ và khó chịu cho những du khách vốn có ấn tượng tốt về du lịch xứ trầm hương. Đó là bài học đắt giá, không chỉ cho du lịch Khánh Hòa mà cho nhiều địa phương khác.
Lễ hội rất ít nét mới
Tại TP Cần Thơ, dịp giỗ Tổ hằng năm, thành phố đều tổ chức lễ hội bánh dân gian Nam Bộ. Hai trong số những điểm nhấn của lễ hội năm nay sẽ là sự kiện đổ chiếc bánh xèo khổng lồ đãi khách miễn phí và có không gian tái hiện làng bánh tráng Thuận Hưng (quận Thốt Nốt, Cần Thơ).
Tuy nhiên, qua 11 lần tổ chức, nhiều du khách đánh giá lễ hội này hầu như rất ít có nét mới. Năm nào thành phố cũng chia ra ba khu vực: khu bán bánh dân gian; khu ẩm thực; khu bán sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền.
Phần dành cho hoạt động trải nghiệm, tham gia làm bánh dân gian cho người dân và du khách hầu như không được chú trọng.
Chị Ngọc Hân – một du khách ở Bạc Liêu – cho biết gia đình chị có tham quan lễ hội bánh dân gian tổ chức dịp giỗ Tổ năm nay nhưng chị thất vọng vì hầu như không có gì thay đổi nhiều so với những năm trước đó.
“Năm nay họ có tổ chức sự kiện đổ bánh xèo khổng lồ nhưng cũng chỉ diễn ra tại một thời điểm, không phải ai cũng có điều kiện xem được. Tôi nghĩ đã là lễ hội thì phải có không gian cho người dân và du khách trải nghiệm làm bánh hoặc xem nghệ nhân biểu diễn làm bánh. Phần này các lễ hội bánh dân gian hầu như không có hoặc có thì cũng rất ít.
Họ còn bán nhiều món như cá viên chiên, các món nướng, vậy thì đâu còn ý nghĩa là một ngày hội về bánh dân gian”, chị Hân nói.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.