Liên quan đến vụ một streamer quốc tế bị “chặt chém” ngay tại trung tâm TP.HCM, làm xấu đi hình ảnh du lịch, nhiều bạn đọc đề nghị chính quyền phải có biện pháp mạnh hơn nữa để làm du lịch một cách quy củ.
Là người làm công việc ở lĩnh vực này, theo bạn đọc Nguyễn Đức Huy thì tệ nạn dịch vụ nước nào cũng có.
Vấn đề đặt ra là nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này và cách nào để ngăn chặn?
Dưới đây là chia sẻ của bạn đọc xung quanh câu chuyện này:
Những ngày qua, nhiều người bức xúc trước tình trạng “chặt chém” ở phố đi bộ Nguyễn Huệ vào tối 14-9.
Nam streamer, chủ kênh IShowSpeed với gần 30 triệu người đăng ký đã phát trực tiếp trên YouTube việc thuê xe điện cân bằng trong 5 phút bị “chém” đẹp 1 triệu đồng.
Thông tin với gần 170.000 người khắp thế giới theo dõi. Có mấy người Việt ở nước ngoài điện thoại cho tôi hỏi thực hư. Tôi nghe mà choáng váng.
Được biết vị khách này lần đầu đến Việt Nam, dự sự kiện Gumball 3.000 và có cả đoàn tùy tùng đi theo làm clip quảng bá du lịch thành phố.
Streamer IShowSpeed được trả lại tiền và chấp nhận lời xin lỗi sau vụ ‘chặt chém’ ở phố đi bộ
Người cho thuê không biết tiếng Anh, nên phải nhờ người khác phiên dịch. Chuyện xảy ra ngay trung tâm của thành phố du lịch và không phải lần đầu.
UBND phường Bến Nghé và quận 1 đã khẩn trương vào cuộc xác minh, buộc người vi phạm trả lại tiền, xin lỗi người bị hại, nộp phạt 10 triệu đồng về các hành vi “sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để kinh doanh dịch vụ cho thuê xe điện”, và “kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ”.
Sáng 15-9, phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM đã xin lỗi và cảm ơn streamer.
Chuyện xử phạt, xin lỗi là cần thiết. Nhưng câu chuyện cần đặt ra là làm sao chấm dứt tình trạng này.
Chợ đêm và phố đi bộ ở Siem Reap (Campuchia) rộng gấp nhiều lần ở TP.HCM. Đường kính khu vực hơn 1km. Chỉ năm ba cảnh sát trật tự và không có nạn “chặt chém”.
Đơn giản vì vi phạm sẽ bị phạt rất nặng và cấm hành nghề vĩnh viễn. Quan trọng là mọi người ý thức và nhắc nhau. Một người vi phạm, mọi người bị ảnh hưởng.
Và câu hỏi đặt ra: Tại sao không phạt người phiên dịch tội tiếp tay? Biết thủ phạm sai mà không nhắc nhở hoặc từ chối phiên dịch?
Theo tôi, phạt tiền phải tính đủ công sức của cơ quan chức năng (truy tìm thủ phạm), quản lý (đi xin lỗi) và hậu quả của việc gây ra (phát tán thông tin xấu, gây hậu quả nghiêm trọng)… mới đủ răn đe.
Phải đi kèm phạt cấm hành nghề, tịch thu hết phương tiện.
Ngoài ra cũng nên sắp xếp hàng rong theo khu vực để họ tự quản lý lẫn nhau, tự quản lý giá và giữ vệ sinh khu vực.
Hiện ở đường Nguyễn Huệ không còn chỗ nào cho thuê xe điện cân bằng dù đó là nhu cầu có thật của du khách.
Để lập lại trật tự, không để người bán hàng rong tự tung tự tác quấy rầy khách và hét giá như lâu nay.
Dĩ nhiên là phải chọn lọc mặt hàng theo nhu cầu du khách. Có thể cấp thẻ hành nghề đơn giản để khách biết mà khiếu nại khi gặp sự cố.
Một người vi phạm, cả nhóm bị liên lụy.
Khi xảy ra sự cố phải xin lỗi ngay, hạ nhiệt sự bực mình, phẫn nộ của du khách, không chờ phải tìm ra thủ phạm. Cố gắng biến rủi thành may.
“Chặt chém”, hét giá khi kinh doanh dịch vụ, nước nào cũng có nhưng quan trọng là phải có giải pháp mạnh để đủ răn đe.
TP.HCM là điểm thu hút nhiều khách du lịch quốc tế, cần tiên phong trong chuyện này.
Việc nào cũng không quá khó nếu quản lý được giao quyền hạn và trách nhiệm cụ thể.
Quan trọng là làm tới nơi tới chốn, không “bắt cóc bỏ dĩa”.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.