Sống chung với lũ
Xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa là vùng “rốn lũ” của tỉnh Quảng Bình, nơi đây được ví như một “túi đựng nước khổng lồ” do địa hình trũng thấp, bốn bề là núi cao, nguồn nước đổ về đều tập trung tại đây nhưng lối thoát duy nhất chỉ là một hang núi hẹp.
Trong những ngày qua, mưa lớn trên diện rộng đã khiến trên 400 căn nhà tại Tân Hóa bị ngập 0,5-2m.
Người dân Tân Hóa đã quá quen thuộc và thích ứng với thời tiết khi thường xuyên phải sống chung với lũ. Nhiều người Tân Hóa còn nói vui, năm nào không có lũ lại thấy thiếu.
Cả xã Tân Hóa hiện nay gần như đã có nhà phao nên người dân yên tâm sống chung với lũ. Mỗi gia đình đều có thuyền, phao để đi lại.
Đối với vật nuôi, khi có dự báo mưa lũ, bà con Tân Hóa sẽ đưa lên vùng núi cao, tích trữ rau cỏ.
Hai ngày qua, khi nước lũ dâng lên, gia đình 3 người của vợ chồng ông Trương Xuân Trường, trú thôn 2 Yên Thọ, xã Tân Hóa đã chuyển lên nhà phao. Mọi vật dụng, thực phẩm đều được ông Trường chuẩn bị từ trước, đủ để sinh hoạt 10-15 ngày.
“Cách đây khoảng 15 năm, lũ về là lại phải đi trốn, nhiều người còn bị lũ cuốn đi. Còn hiện nay, với chúng tôi, lũ không còn đáng sợ, gia đình nào cũng có nhà phao, lên đó tránh trú rất an toàn”, ông Trường chia sẻ.
Những năm gần đây, các mẫu nhà phao còn được bà con Tân Hóa cải tiến, bổ sung các kỹ thuật phù hợp để đảm bảo độ an toàn.
“Dân chúng tôi quen rồi, không còn tâm lý sợ lũ nữa, khi nước rút sẽ để lại một lượng lớn phù sa bồi đắp, giúp đất đai thêm màu mỡ, canh tác thuận lợi. Nhiều nhà có điều kiện còn làm nhà phao rộng rãi, sử dụng cả thường ngày lẫn khi có lũ”, bà Đinh Thị Thu, một người dân chia sẻ.
Trải nghiệm cuộc sống mùa lũ
Mặc dù thường xuyên chịu lũ lụt, nhưng vùng đất Tân Hóa lại được thiên nhiên ban tặng một vẻ đẹp sơn thủy hữu tình, với những dãy núi đá vôi trùng điệp ôm lấy thung lũng bao la, cùng những cánh đồng cỏ bất tận.
Xẻ ngang giữa thung lũng là con sông Rào Nan hiền hòa, xanh màu ngọc bích, bồi đắp phù sa cho những cánh đồng 2 bên mỗi độ mưa về.
Tân Hóa còn nổi tiếng với hệ thống hang động Tú Làn, nơi được chọn làm bối cảnh cho những bộ phim nổi tiếng trong nước, quốc tế như: Người Bất tử, Truyền thuyết về Quán Tiên hay “Kong – Đảo Đầu lâu” của đạo diễn Jordan Vogt-Roberts.
Tân Hóa hiện nay đã trở thành làng du lịch cộng đồng, do người dân tự vận hành, với các mô hình homestay, nhà hàng ẩm thực phục vụ các món ăn đặc trưng và các tour du lịch tham quan nét đẹp văn hóa của người dân địa phương.
Từ một làng quê nghèo, mưa lũ, chật vật mưu sinh dưới những lèn núi đá vôi, người dân Tân Hóa bắt đầu tham gia vào hoạt động du lịch. Việc du khách của các tour khám phá hang động Tú Làn, trải nghiệm dịch vụ ăn tối tại nhà dân đã tạo việc làm, nguồn thu nhập cho người dân địa phương.
Vào năm 2023, Tân Hóa đã được Tổ chức Du lịch thế giới vinh danh là “Làng du lịch tốt nhất thế giới”, trong đó có tiêu chí thích ứng với thời tiết, biến bất lợi thành thuận lợi; tận dụng tiềm năng du lịch ngay cả trong thời điểm lũ lụt để giúp người dân vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Trương Thanh Duẫn, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa, cho biết, những năm qua, người dân Tân Hóa đã thích ứng với mưa lụt.
Theo ông Duẫn, khác biệt ở Tân Hóa là nước lũ khá yên bình, không có sóng lớn, người dân có thể sống bình thản trên những căn nhà nổi và di chuyển an toàn bằng những chiếc thuyền nhỏ.
Cũng bởi vậy mà dù mưa lũ, người dân Tân Hóa vẫn có thể đón khách du lịch đến ở, ăn uống trên các nhà nổi và dần trở thành một sản phẩm du lịch ấn tượng.
Khách du lịch đến Tân Hóa có thể trải nghiệm cuộc sống mùa lũ như người dân bản địa, thả lưới, câu cá, chèo thuyền khám phá hang động, ngắm cảnh quan mùa lụt và thưởng thức những món ăn đặc trưng.
Tại Tân Hóa hiện nay còn có cả khu nghỉ dưỡng để phục vụ du khách đến trải nghiệm, hòa mình vào cuộc sống yên bình, thiên nhiên hùng vỹ, trải nghiệm lái xe địa hình khám phá rừng lim…
Ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc một đơn vị đang triển khai du lịch tại Tân Hóa, chia sẻ: “Người dân sẽ nấu cơm mời khách trên các nhà phao, thay vì đạp xe đi ăn tối nhà dân thì nay khách sẽ ngồi thuyền đi ăn. Tân Hóa hiện có 10 căn homestay làm trên nhà nổi và khách có thể ở vào những ngày ngập lụt. Homestay có hệ thống nhà vệ sinh tự hoại treo và vẫn hoạt động bình thường khi nước lên”.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.