Nằm ở phía Tây Nam Kinh thành Huế có 2 cụm di tích nằm liền kề nhau là Văn Miếu và Võ Miếu, nay thuộc địa giới hành chính phường Hương Hồ (thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Đây là 2 thiết chế quan trọng, góp phần tạo nên diện mạo kiến trúc và sinh hoạt văn hóa nghi lễ phong phú của triều Nguyễn tại Kinh đô Huế.
So với Võ Miếu đã trở thành phế tích theo thời gian, tại Văn Miếu, nhiều công trình kiến trúc quan trọng được bảo tồn.
Theo tư liệu lịch sử, Văn Miếu hay còn được gọi là Văn Thánh, được xây dựng vào năm 1808 dưới thời vua Gia Long.
Khi còn nguyên vẹn, nơi đây có gần 20 công trình lớn, như: Văn Miếu (điện thờ), Đông vu, Tây vu, Thần trù, Thần khố, Hữu Văn Đường, Dụy Lễ Đường, nhà Thổ Công, Đại Thành Môn, Văn Miếu Môn, quan Đức Môn, Linh Tinh Môn, la thành, bến vua ngự…
Từ Đại Thành Môn nhìn vào phía trong, ngay chính giữa có ngôi đại điện thờ Khổng Tử gọi là Đại Thành Điện (nay chỉ còn dấu tích).
Đây là kiến trúc trọng yếu của Văn Miếu, toàn bộ được dựng trên một nền cao, dài chừng 32m, rộng 25m. Ở hai bên trước điện Đại Thành, dựng hai ngôi nhà đối diện nhau là Đông Vu và Tây Vu đều bảy gian.
Bên trong 2 nhà Đông Vu và Tây Vu có 32 tấm bia, khắc tên 293 vị Tiến sĩ triều Nguyễn, bắt đầu từ khoa thi đầu tiên năm Minh Mạng thứ 3 (1822) đến khoa thi cuối cùng vào năm Khải Định thứ 4 (1919).
Trước sân miếu, có 2 nhà bia, bên trong có 2 tấm bia khắc bài văn bia của vua Minh Mạng và vua Thiệu Trị, hiện còn khá nguyên vẹn.
Nét đẹp cổ kính còn lại trong khu di tích Văn Miếu bên bờ sông Hương thơ mộng của xứ Huế.
Nằm cạnh Văn Miếu là Võ Miếu, công trình được xây dựng vào năm 1835, dưới thời vua Minh Mạng.
Theo Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, cấu trúc của Võ Miếu khá đơn giản, gồm một ngôi miếu chính làm theo kiểu nhà kép “trùng lương trùng thiềm” với hai phần Tiền doanh và Chính doanh.
Trải qua gần 190 năm kể từ ngày được xây dựng, do những biến thiên lịch sử, thiên tai và chiến tranh, Võ Miếu hiện nay đã trở thành một phế tích, các công trình kiến trúc hoàn toàn biến mất, kể cả bức tường thành bao bọc; tại khu vực Võ Miếu chỉ còn lại mấy tấm bia Võ công và bia Tiến sĩ Võ được quy tập lại một chỗ.
Trong không gian Võ Miếu có đền thờ, thờ phụng danh tướng Trần Hưng Đạo, các danh tướng khai quốc của chúa Nguyễn và nhà Nguyễn (trước 1802), đồng thời ghi danh các danh tướng lập võ công trong thời nhà Nguyễn độc lập (1802-1884).
Những danh tướng được vua Minh Mạng chọn thờ tự là những người có công liệt rõ ràng, trọn vẹn trước sau, xứng đáng làm gương cho thế hệ sau.
Tiến sĩ Phan Thanh Hải nhận định dù dấu vết kiến trúc và di vật của Võ Miếu còn lại không nhiều trên thực địa, nhưng căn cứ vào các tư liệu văn hiến, qua sử sách và cả khai quật khảo cổ học, chúng ta hoàn toàn có thể trùng tu, phục hưng cơ bản diện mạo của di tích này.
Võ Miếu của triều Nguyễn được phục hồi để cùng di tích Văn Miếu, chùa Thiên Mụ tạo nên một tổ hợp di tích quan trọng, hoàn chỉnh ở phía tây nam Kinh thành, từ đó thúc đẩy việc bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị một cách hữu hiệu.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.