Tôi đưa em về xứ nẫu khi trời vừa cạn chạp. Em lạ lẫm với lời ăn tiếng nói, cứ mỗi khi không hiểu phương ngữ miền Trung sẽ lớ ngớ cười trừ. Nhưng em vẫn nhanh chóng hòa vào không khí Tết quê tôi.
Ngày sum họp của mọi nhà thì ở đâu cũng thế, đều ấm áp vui vầy. Mùng một Tết, em xúng xính áo dài cách tân mà lúng túng chẳng biết làm gì ngoài chụp ảnh bên cội mai vàng trong sân nhà, tôi liền đèo em đi phiên chợ mùa xuân.
Theo lệ, chợ Gò quê tôi chỉ họp lần duy nhất vào hai ngày đầu tiên của năm mới. Thực ra đây là hội xuân dân gian, được tổ chức tại gò đất cao ráo dưới chân núi Trường Úc (Tuy Phước, Bình Định).
Thuở xưa, mẹ tôi ở bờ bên kia con sông Tọc, theo bà ngoại đi đò sang bến bên này coi hội chợ Gò. Mẹ gặp cha giữa muôn người rộn ràng nói cười trong chợ xuân năm đó.
Ngày con sông Tọc cạn nước, nội bưng trầu cau từ bên này lội bộ qua rước dâu. Ở xứ nẫu quê tôi, biết bao cặp đôi tình nồng ý đượm đã bén duyên như thế.
“Đầu xuân đón lộc cầu duyên
Trầu cau em gánh đi phiên chợ Gò
Chợ Gò là chợ hẹn hò
Trai thanh, gái lịch sang đò gặp nhau”
Rồi tôi ra đời, nhảy chân sáo theo sau cha mẹ đi chợ Gò suốt những cái Tết tuổi thơ. Tôi mê mẩn ngắm nhìn những gian hàng trưng bày lồng đèn xếp giấy, đồ chơi con vật bằng đất sét nung, thèm thuồng khi đi ngang qua gian hàng bày bán kẹo bột, kẹo kéo, kẹo bông gòn…
Mẹ sẽ mua cho tôi mấy chiếc tò he sặc sỡ bằng bột gạo hấp chín có thể ăn được. Khi tiếng trống thùng thình hối hả bước chân, cha cõng tôi trên cổ chen chúc giữa đám đông để coi những con lân lộng lẫy nhảy múa rộn ràng.
Bây giờ tôi dẫn em ngang qua con đường đến phiên chợ quê độc đáo mà ngày trước cha mẹ dắt tôi đi. Bao nhiêu cờ phướn, cờ hội rực rỡ như tô thêm sắc màu vào mùa xuân xứ nẫu. Người già, thanh niên, tụi con nít, ai cũng diện bộ đồ đẹp nhất, nô nức ghé chơi.
Lần đầu trong đời em được coi đánh cờ người, cứ ngớ ra chăm chú theo dõi. Em cũng hồ hởi kéo tay tôi lại nơi chòi tre tham gia đánh bài chòi.
“Tết về nhàn rỗi phải chơi
Bài chòi mộ điệu nơi nơi chào mừng
Kẻ kêu người hú tưng bừng
Nghe tiếng trống giục tay bồng con thơ
Mặc cho đụng bụi đụng bờ
Để coi năm mới, hiệu hô con gì”
Ngồi nghe bài chòi, em sẽ yêu thêm quê hương tôi, vùng đất miền Trung tuy nghèo vật chất mà đậm đà tình cảm. Di sản của cha ông bao đời gìn giữ, đến nay con cháu vẫn đang kế thừa và tiếp nối.
Tôi lại dắt em xem biểu diễn võ cổ truyền Bình Định. Em vỗ tay trầm trồ thán phục, có biết rằng tôi cũng là một người đàn ông rắn rỏi, mạnh mẽ như thế.
Em hí hửng dạo chợ nghía xem bà con bán buôn món gì. Dăm ba rau trái vườn nhà, xấp lá trầu, buồng cau xinh, bó rau xanh mướt, mớ cá tôm sông…
Người ta nào có bận tâm lời lãi vào ngày đầu năm mới. Phiên chợ này là để mua may bán rủi, mua lộc cầu duyên. Mua về miếng trầu têm cánh phượng bởi “miếng trầu là đầu câu chuyện”, mua hạt muối để cả năm thắm thiết mặn nồng, mua trái đu đủ với ước vọng ấm no đủ đầy, trái mãng cầu nhằm mong cầu phước lành, bó rau muống cho ước ao “muốn gì được nấy”.
Ngày xưa bà nội từng bảo mẹ tôi rằng, muốn hiểu rõ nếp ăn nếp sống của một vùng đất thì chỉ cần tìm đến những ngôi chợ. Chợ Gò Trường Úc chỉ nhóm họp vỏn vẹn một ngày đầu năm, nhưng đã gói trọn mọi đặc sắc văn hóa của xứ nẫu.
Người già tìm lại phong vị Tết xưa, nam thanh nữ tú gặp gỡ làm quen, tụi con nít ùa vào trò chơi vui nhộn, mọi người rộn rã nói cười. Chính thế mà ai đi xa đều tha thiết thương nhớ phiên chợ mùa xuân mà quay về ăn Tết quê nhà.
Tết này tôi có em cùng đi chợ Gò, để mẹ cha được thảnh thơi hò hẹn riêng. Mấy chục năm rồi, hai người vẫn nhẹ nhàng bên nhau như thế, đâu giống bọn trẻ tụi mình cứ sôi nổi ồn ào.
Nhưng em biết không, đằng sau sự bình yên ấy là bao nhiêu nồng nhiệt của cả quãng đường thanh xuân đồng cam cộng khổ. Mẹ cha đã dịu dàng dạy tôi hiểu về tình yêu, để bây giờ tôi dành lại cho em.
Thương tôi, em sẽ thương cả chợ Gò và xứ nẫu quê tôi mà, có phải không…
Cuộc thi “Khoảnh khắc Tết của tôi”
Cuộc thi Khoảnh khắc Tết của tôi là dịp để bạn đọc giới thiệu những khoảnh khắc đẹp, những trải nghiệm khó quên nhất trong dịp Tết cùng người thân, bạn bè.
Mỗi bài viết tối đa 1.000 chữ bằng tiếng Việt, khuyến khích kèm theo ảnh, chùm ảnh hoặc video.
Bài dự thi chia sẻ lại những điểm dừng chân lý tưởng, vùng đất độc đáo. Qua câu chuyện bạn kể, bạn sẽ giúp nhiều người có cơ hội được biết đến những vùng đất mới, những địa điểm không nên bỏ lỡ khi du xuân.
Đó có thể là bài viết ghi lại những khoảnh khắc bạn bè, người thân sum họp, ăn Tết và vui chơi cùng nhau.
Đó là những ghi chép, kể lại về những trải nghiệm cá nhân từ chuyến đi, chuyến công tác xa nhà trong những ngày Tết mà bạn từng trải qua.
Bài thi ảnh làm nổi bật vẻ đẹp của danh thắng, địa điểm hay vùng đất mà bạn đã tới. Đây là dịp để kể lại những sắc màu rực rỡ và khung cảnh đẹp của Việt Nam hoặc các quốc gia mà bạn đến.
Từ 25-1 đến hết 24-2, bạn đọc có thể gửi bài dự thi về địa chỉ [email protected].
Lễ trao giải và tổng kết dự kiến diễn ra vào tháng 3-2024. Cơ cấu giải thưởng bao gồm 1 giải nhất (15 triệu đồng tiền mặt và quà tặng), 2 giải nhì (7 triệu đồng và quà tặng), 3 giải ba (5 triệu đồng và quà tặng).
Chương trình có sự đồng hành của HDBank.
Đón mặt trời chào năm mới ở xứ kim chi
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.