Một ngày lang thang từ phà Cù Lao Giêng sang Cồn Én (xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, An Giang), những công trình bằng gỗ lũa từ khu du lịch Cồn Én của anh Nguyễn Văn Nghỉ lại níu chân chúng tôi khi khi hoàng hôn bắt đầu buông xuống.
Hơn 4 năm trước, anh Nghỉ cho ra mắt khu du lịch Mỹ Luông, trở thành điểm dừng chân nổi bật nhất giữa lòng Chợ Mới.
Nhưng đó chỉ là một phần của người đàn ông mang hai biệt danh “người sở hữu nhiều xe biển số đẹp nhất” và “vua gỗ lũa”.
Bởi anh Nghỉ có bộ sưu tập hơn 500 chiếc xe, đủ loại từ các đời những năm 1965, 1967 đến nay như Future, Yamaha Sirius, Suzuki, Honda Dream, Honda Wave, Honda Cup… và cả các dòng xe tay ga cao cấp mới sau này như SH, Vespa, Honda Dylan, PCX…
Tất cả đều mang biển số “tứ quý” từ 1 đến 9, “sảnh tiến tới”… của hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp.
Anh được gọi là “Vua gỗ lũa”, vì trong hơn 20 năm, dường như tất cả các gốc cây gỗ trầm tích hàng trăm năm dưới đáy sông Tiền đều được anh vớt lên và… cất lại. Gỗ lũa là tên gọi chung những cây gỗ lâu năm ngâm nước chỉ còn phần lõi, cứng như sắt.
Do chúng thường xuyên làm rách lưới ghe và cản trở giao thông trên sông, ban đầu anh Nghỉ chỉ vớt lên giúp bà con khi ghe bị vướng, rồi để hoang bên mảnh đất của mình trên Cồn Én.
Nhưng lâu dần, anh bắt đầu xem chúng như một thứ để sưu tập. Hàng trăm khối gỗ lũa khổng lồ từ đáy sông đã trở thành thứ tài sản độc đáo có một không hai của riêng anh Nghỉ.
Từ khi bắt tay vào làm du lịch để “Chợ Mới có điểm dừng chân”, anh Nghỉ đã thuê một đội thợ mộc từ Huế vào chế tác thành các tác phẩm độc đáo để trưng bày cho du khách thưởng lãm.
Và khu du lịch Mỹ Luông chỉ là một phần, tất cả còn lại anh Nghỉ dồn vào công trình khu du lịch Cồn Én. Và chính bộ sưu tập gỗ trầm tích dưới đáy sông Tiền đã biến nơi đây trở thành điểm dừng chân có lẽ là độc nhất trên thế giới.
Đây cũng là nơi lý tưởng để bạn có thể tắm nước sông Tiền, cùng gia đình thưởng thức những món ngon miền Tây sông nước. Và nhất là ngắm hoàng hôn buông xuống ở phía Cù Lao Giêng, nơi có nhà thờ cổ được xây dựng từ cuối thế kỷ 19 và là một trong những công trình tôn giáo lâu đời nhất Đồng bằng sông Cửu Long.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.