Đừng để sức hút chỉ dừng ở những danh hiệu.
Tháng 9/2024, Ban quản lý Khu Dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà, thành phố Hải Phòng sẽ đệ trình Báo cáo lên MAB quốc tế để chờ xem xét, đánh giá và công nhận lại Danh hiệu Khu Dự trữ sinh quyển Cát Bà. Sau 20 năm trở thành khu dự trữ sinh quyển thế giới, Cát Bà sở hữu cho mình rất nhiều giải thưởng, danh hiệu quốc gia và quốc tế: Danh lam thắng cảnh – Di tích quốc gia đặc biệt, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, Vườn Quốc gia, Khu Bảo tồn Biển, Vịnh biển đẹp nhất thế giới và mới nhất là danh hiệu Di sản thiên nhiên thế giới do UNESCO công nhận, trao cho Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà…
Những danh hiệu đã đưa tên tuổi Cát Bà vang xa, tạo nên sức hấp dẫn với cả du khách trong nước và quốc tế, nhưng tất cả đều là sự vinh danh dành cho thiên nhiên – hệ sinh thái, cảnh quan trác tuyệt và địa hình độc đáo nơi đây. Nhiều người đặt dấu hỏi vậy đâu là dấu ấn của du lịch Cát Bà ngoài thiên nhiên.
Cát Bà sở hữu nhiều giải thưởng, danh hiệu quốc gia và quốc tế.
Du lịch Cát Bà hiện gắn chủ yếu với các hoạt động tắm biển; tham quan, khám phá Vịnh, Vườn quốc gia, hang động hay các đảo nhỏ. Theo các chuyên gia, Cát Bà được quy hoạch trở thành trung tâm du lịch sinh thái quốc gia và quốc tế, do đó cùng với Long Châu, Bạch Long Vĩ được xác định là các khu du lịch dịch vụ kết hợp bảo vệ, gìn giữ môi trường sinh thái. Dẫu vậy, việc chỉ được biết đến bởi thiên nhiên nhưng thiếu vắng sản phẩm du lịch độc đáo, khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế gây được tiếng vang nên Cát Bà đã bộc lộ hạn chế về hạ tầng, dẫn tới dấu ấn mờ nhạt so với tiềm năng sẵn có.
Nếu so sánh với các điểm du lịch biển đảo khác như Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang,…đảo Ngọc của Vịnh Bắc Bộ đang tụt hậu về trải nghiệm. Không chỉ khai thác lợi thế thiên nhiên đơn thuần, các điểm đến này đã tiên phong phát triển hệ thống hạ tầng du lịch đẳng cấp như công viên giải trí, khu nghỉ dưỡng, khu thương mại dịch vụ, mang đến trải nghiệm văn hóa, ẩm thực bằng các sự kiện, lễ hội quy mô…
Hạ tầng nghỉ dưỡng và trải nghiệm vui chơi giải trí của Cát Bà vẫn đi sau nhiều điểm đến trong nước.
Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp lữ hành, Cát Bà hiện chủ yếu thu hút du khách quốc tế bình dân có mức chi tiêu hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do Cát Bà vẫn chưa có những khu vui chơi, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế. Cát Bà hiện nay chưa có công viên vui chơi, giải trí đủ sức thu hút du khách, nhất là khách quốc tế.
Thậm chí nhìn sang địa danh du lịch ít danh hiệu và thua xa về vị thế trên trường quốc tế như Sầm Sơn, hiện nay, thành phố du lịch xứ Thanh đã có hạ tầng, sản phẩm du lịch độc đáo như Quảng trường biển sức chứa hơn 10.000 người với show nhạc nước hằng đêm hay công viên nước Sầm Sơn vừa khai trương cùng các lễ hội mùa hè sôi động.
Về hạ tầng lưu trú, theo thống kê, hiện tại, huyện Cát Hải với trọng điểm du lịch Cát Bà có 313 cơ sở lưu trú với tổng số 6.566 phòng nghỉ, 141 tàu chở khách tham quan, lưu trú nghỉ đêm trên các vịnh. Trong số này, bên cạnh một vài resort quy mô,.. vắng bóng sự xuất hiện thương hiệu quốc tế uy tín, điều mà các điểm du lịch luôn khao khát.
Theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels, những năm gần đây, các thương hiệu khách sạn quốc tế đang gia tăng tại Việt Nam. Thị trường hiện có gần 200 khách sạn mang thương hiệu quốc tế. Như vậy, Cát Bà có danh tiếng thế giới nhưng lại để ngỏ khả năng hút khách quốc tế qua mạng lưới toàn cầu của những thương hiệu lớn này.
“Chương mới” của hòn ngọc Vịnh Bắc Bộ.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch bền vững quần đảo Cát Bà đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050, bên cạnh nỗ lực bảo tồn, phát triển du lịch sinh thái, Cát Bà ưu tiên phát triển các dòng sản phẩm du lịch chất lượng cao để tạo sự khác biệt và tăng sức cạnh tranh của điểm đến, tập trung vào các loại hình như: Du lịch sinh thái; du lịch tham quan, khám phá; du lịch thể thao – vui chơi giải trí; du lịch tàu biển; du lịch sự kiện; du lịch MICE; du lịch địa chất; du lịch nghiên cứu,… các sản phẩm du lịch mới, chất lượng cao: thủy phi cơ, khinh khí cầu, cáp treo, du thuyền, thủy cung,…
Cát Bà kỳ vọng sẽ bứt phá nếu được đầu tư xứng tầm.
Về không gian phát triển, Thị trấn Cát Bà – Khu đô thị Cái Giá sẽ là địa bàn du lịch quan trọng với tính chất chủ đạo là du lịch “sôi động” gồm các hoạt động vui chơi giải trí. Những loại hình du lịch chủ yếu sẽ phát triển trên địa bàn này: Du lịch cuối tuần; du lịch MICE; du lịch vui chơi giải trí; du lịch tham quan, mua sắm,…
Trong khi nỗ lực bổ sung sản phẩm du lịch thực sự chất lượng hấp dẫn, Cát Bà cũng đặt ra nhiệm vụ học hỏi để theo đuổi áp dụng mô hình đảo sinh thái, thông minh, không có khí thải của phương tiện cơ giới. Thành công của hòn đảo tại châu Âu hay kinh nghiệm phát triển du lịch sinh thái, tập trung vào ý thức của du khách tại Nhật Bản, Hàn Quốc cũng sẽ truyền cảm hứng lớn cho hòn ngọc xanh Vịnh Bắc Bộ.
“Chương mới” của du lịch Cát Bà cần sự đồng hành của các “đại bàng” du lịch.
Rõ ràng, để đạt được mục tiêu quy hoạch và kỳ vọng tăng trưởng mà thành phố đặt ra, bên cạnh những thuận lợi và cơ hội, rõ ràng du lịch Cát Bà đang phải đối mặt với không ít thách thức. Bài toán song hành phát triển du lịch sinh thái với nâng cấp hạ tầng, đa dạng trải nghiệm sẽ cần tới sự đồng hành của những tập đoàn tư nhân, nhà đầu tư chiến lược giống như cách các điểm đến hàng đầu hiện nay đã thành công.
Cát Bà vốn đã thu hút một số nhà đầu tư lớn, trong đó có nhà phát triển du lịch hàng đầu của Việt Nam là Sun Group với sự hiện diện đầu tiên qua tuyến cáp treo hiện đại giúp gỡ nút thắt giao thông ra đảo, tạo nên cơn sốt du lịch mùa hè vừa qua. Đây là lợi thế bước đầu, mở đường để Cát Bà thu hút “đại bàng” làm tổ, góp sức phát triển du lịch.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.