Dũng, 29 tuổi, là một kỹ sư IT người Việt Nam đã làm việc ở Nhật 10 năm. Chiaki, 28 tuổi, là một tư vấn viên người Nhật đã bắt đầu hành trình dành một năm tuổi trẻ để đi muôn nơi, dự kiến khoảng 20 quốc gia.
Trong tháng thứ 5 của hành trình, cả hai đã đi được 14 nước. 4 tháng đầu tiên, họ đã ở châu Mỹ, đi qua Mỹ, Mexico, Colombia, Bolivia, Peru, Chile và Brazil. Khi bài viết này được đăng tải, họ đã đặt chân đến Madagascar – điểm đến đầu tiên ở châu Phi.
Đi muôn nơi và sống một năm cho đáng tuổi trẻ
“Tháng 10-2021, ngay sau khi tổ chức đám cưới ở Việt Nam thì Chiaki bị mắc COVID-19 nặng. Mình vẫn còn nhớ như in nỗi sợ hãi khi nửa đêm vợ không thể thở nổi, cả nhà mình tức tốc đưa đến viện.
Ngay cả khi tới viện, vợ mình cũng rất yếu, 2-3 hôm đầu gần như là không đi được, mà lúc nặng nhất ngồi dậy thôi cũng thấy choáng váng. Sau đợt đó 2 tuần, sức khỏe của vợ mình cải thiện và đi về Nhật làm lại.
Nhìn lại thì thấy trước đây 2 đứa hay ỉ lại còn trẻ, còn nhiều thời gian nên luôn cắm đầu vào làm việc mà quên mọi thứ xung quanh. Không ngờ lại thấy khoảnh khắc sinh tử của vợ gần đến thế, ngay trước mắt mình.
Vậy là mình quyết định ngừng lại một năm, sống một năm cho đáng tuổi trẻ của mình”, Dũng chia sẻ về lý do một đôi vợ chồng trẻ thay vì dồn sức phấn đấu mua nhà, xe như những người đồng trang lứa lại dùng khoản tiền tiết kiệm để đi khắp nơi.
Với khoản tiền tiết kiệm của những năm đi làm, cả hai tính sơ qua chi phí để đi một năm, cộng với một khoản dự trù để sau khi về Nhật vẫn có thể sống từ 6 tháng đến 1 năm nữa, thêm một khoản nhỏ để đề phòng bất trắc xảy ra.
“Hai vợ chồng mình đều giống nhau trong việc không cần những thứ quá xa xỉ. Nhà, xe là những thứ mình nghĩ còn có thể cố gắng về lâu dài, mất 2-3 năm cũng không có quá nhiều ảnh hưởng.
Còn tuổi trẻ, năng lượng, sự quyết tâm mà hai đứa có hiện giờ thì nếu qua đi rồi thì không tiền nào có thể mua được nữa.
Nhiều khi đi du lịch, bọn mình nghĩ những kỷ niệm như cuốc bộ 2-3 tiếng hay khám phá những nơi hẻo lánh chắc chỉ có thể làm một lần. Thêm 10 hay 20 tuổi nữa, bọn mình khó có đủ sức để làm thế”, Dũng chia sẻ.
Biết ơn vì được sinh ra ở một nơi xã hội ổn định
Dũng chia sẻ rằng điều tuyệt vời nhất mà hai vợ chồng có được trong chuyến hành trình này là sự mở mang về kiến thức, trải nghiệm và sự biết ơn.
“Trăm nghe không bằng một thấy. Bọn mình không những học được rất, rất nhiều điều về lịch sử, văn hóa, cả tốt cả xấu, cả vui lẫn đau thương của người bản địa. Không những thế, nhiều khi còn có thể hiểu thêm về những vấn đề không có cách nào giải quyết (nạn phân biệt chủng tộc, giới tính…) mà họ đang gặp phải.
Hai vợ chồng mình cũng đặt ra nhiều câu hỏi với nhau, là tại sao sự vật, sự việc nó lại thành ra như vậy. Ngoài ra, chứng kiến tận mắt cách người bản xứ sinh sống hay sinh hoạt hằng ngày, cũng thấy gần gũi hơn rất nhiều so với xem sách báo hay video”, anh nói.
Từ những chuyến đi đó, cả hai có thời gian nhìn lại cuộc sống ở Nhật và Việt Nam “để thấy bản thân đã may mắn hơn hàng triệu, hàng tỉ người đang sống ở những nơi khác”.
“Biết ơn vì mình đã được sinh ra ở một xã hội ổn định, có thể cố gắng đi học, đi làm để có thể làm được những việc mình mong muốn. Biết ơn nữa là trong suốt quãng đường đi, chúng mình đã gặp được những người xa lạ tốt bụng, luôn luôn giúp đỡ vợ chồng mình mà không đòi hỏi gì. Điều đó làm chuyến đi này thực sự trở nên tuyệt vời”, Dũng chia sẻ.
Nơi đáng sống nhất là nơi có những điều tốt đẹp giữa người với người
Những điều đáng nhớ trong chuyến hành trình của đôi bạn trẻ không chỉ là khoảnh khắc đứng trước dãy Andes cao trên 6.000 mét hùng vĩ và “khác biệt hoàn toàn với Đông Á hay Đông Nam Á”, mà cả hai cũng thêm tên của nhiều nơi vào danh sách “những nơi đáng sống”.
Khi được hỏi “điều gì sẽ làm nên một nơi đáng sống?”, Dũng nói rằng đó là con người. Hành trình qua 14 nước, cảnh đẹp phần lớn được Dũng “tả” hết qua những bức ảnh đẹp. Còn trong những status là nhiều mẩu chuyện “đọc là thấy vui lây” khi anh kể về những trải nghiệm ấm áp với những con người dễ thương.
Trải nghiệm ở Brazil được Dũng ví như “một chiều không gian khác” khi hai vợ chồng liên tục được những người xa lạ giúp đỡ, cư xử tử tế. Từ người chủ cho thuê trọ miễn phí một đêm, đến anh tài xế taxi chở hai người đến khám ở bệnh viện công, nơi khám chữa miễn phí cho tất cả người dân và khách du lịch, nhận lại được chiếc máy ảnh bỏ quên trên xe buýt…
Nhưng Dũng chia sẻ rằng Việt Nam và Nhật dù có thế nào vẫn là nơi cả hai sẽ chọn để sống: “Đây là nơi mình sinh ra và lớn lên mà. Vợ mình cũng rất thích đồ ăn Việt. Mỗi lần về Việt Nam, cô ấy lên danh sách đồ muốn ăn, nhưng không lần nào ăn hết được vì nhiều món quá”.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.