Trong những ngày qua, liên quan tới vụ việc thực khách đi ăn buffet và cho 10kg hải sản vào túi mang về xảy ra tại một nhà hàng ở Hà Nội thu hút sự chú ý từ dư luận.
Hình ảnh trích xuất từ camera ghi lại cảnh một nữ thực khách trong đoàn 7 người cho hải sản và một số đồ ăn khác vào túi xách, balo. Tổng số hải sản lên tới 10kg.
Cũng theo đại diện nhà hàng, đây là trường hợp khách mang theo đồ ăn về nhiều nhất và bị phát hiện kể từ khi nơi này mở cửa kinh doanh.
Chị T. là một vị khách trong đoàn cho hay, người bị phát hiện nhét hải sản vào túi là chị A. nhân viên làm trong quán cà phê của mình. Người nhân viên này có gia cảnh khó khăn, không biết chữ, lại lần đầu đi ăn buffet nên không nắm rõ các quy định.
Vị khách này thừa nhận bản thân đã sơ suất khi không nhắc trước nhân viên về quy tắc khi đi ăn buffet là chỉ dùng bữa tại chỗ, không mang đồ về nhà.
Cũng theo chị T. có thể nhân viên của mình suy nghĩ đơn giản, tưởng ăn buffet giống như đi ăn cỗ. Tại quê của chị, từ xưa tới nay mọi người vẫn giữ thói quen ngồi vào mâm cỗ chỉ ăn canh rau rồi chia nhau thịt cá, xôi giò mang về.
Chia sẻ quan điểm về vụ việc trên, chị Minh Anh đến từ Hà Nội, cho rằng, khi đi ăn buffet, thực khách cần nắm rõ quy định của nhà hàng nhằm tránh những điều đáng tiếc.
“Buffet là mô hình ăn tự chọn. Hình thức này xuất hiện ở Việt Nam đã lâu. Khi ăn buffet với số tiền nhất định quy định theo từng suất, khách có thể lựa chọn thoải mái những món ưa thích và không sợ bị giới hạn chỉ được ăn bao nhiêu. Tuy nhiên khách cần lưu ý chỉ được ăn tại chỗ, không mang đồ ăn ra ngoài.
Hiện nhiều nhà hàng còn quy định nếu khách lấy đồ ăn quá nhiều gây lãng phí sẽ tính mức phạt. Bởi vậy, lúc ăn tôi chỉ lấy mỗi món từng chút để thưởng thức, chấp nhận đi lại nhiều lần, chỉ sợ lấy quá tay và dùng không hết sẽ bị phạt”, chị Minh Anh nói.
Tương tự, anh Vũ Văn Thành (Xuân Trường, Nam Định) cho rằng nhiều người còn đang hiểu nhầm giữa việc đi ăn cỗ lấy phần và đi ăn buffet.
Anh Thành chia sẻ, ở quê anh có tục ăn cỗ lấy phần. Nhiều người đi dự tiệc đám cưới, đám mừng nhà, đi ăn cỗ cúng giỗ… đều bớt lại một số món khô như tôm, thịt gà, đồ tráng miệng. Bên trên mỗi mâm cỗ đều có túi nilon để khách gói phần về.
“Cùng là hành động mang thức ăn về nhưng việc ăn cỗ lấy phần và việc đi ăn buffet ở nhà hàng gói đồ về là hoàn toàn khác nhau. Nên tùy từng hoàn cảnh để tránh bao biện cho hành động của mình”, anh Thành nói.
Nhận định về vụ việc, ông Hoàng Tùng – chuyên gia F&B, nhà sáng lập Pizza Home, cho rằng “khách hàng đã sai trong trường hợp này”.
“Khi ăn buffet, thông thường khách sẽ đi theo nhóm. Nếu một người không biết thì người còn lại trong nhóm có thể nhắc nhở. Bởi vậy nếu nói khách hoàn toàn không biết gì về quy định là điều rất khó xảy ra. Tại các nhà hàng buffet sẽ luôn có biển báo nhắc nhở khách nên lấy thức ăn vừa đủ, không mang ra quá nhiều tránh trường hợp lãng phí”, ông Tùng nêu quan điểm.
Trước thông tin phản ánh về việc khách thắc mắc tại sao nhà hàng biết có vụ việc lấy đồ mang về nhưng không nhắc nhở luôn tại chỗ, đợi lúc ra về mới phạt khách, vị chuyên gia này cho rằng câu chuyện có thể đến từ hai phía.
“Đứng ở góc độ người làm dịch vụ, chúng tôi sẽ luôn tìm cách tránh sai sót tối đa cho khách hàng. Nếu khách vẫn cố ý làm sai dù đã được nhắc nhở, lúc đó nhà hàng mới có hình thức xử phạt theo quy định.
Tuy nhiên trong trường hợp này, tôi cho rằng có thể nhà hàng buffet đã liên tục xảy ra những vụ việc tương tự nên họ quyết định phạt để cảnh cáo, đồng thời tránh những câu chuyện sẽ tái diễn”, ông Tùng nói.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Vũ Thị Tuyết Nhung, tác giả cuốn Hà thành – Hương vị xưa cũ có dịp đi đến nhiều quốc gia và nhận thấy ở nhiều nơi, các nhà hàng buffet còn đưa ra những hình thức phạt rất nghiêm cho những người lấy thừa đồ hoặc cố tình giấu đồ ăn mang về.
“Ăn buffet mà lấy phần đem về là mất lịch sự. Trừ trường hợp, tiệc buffet được tổ chức ở quy mô gia đình, khách mời là những người thân thiết với nhau và gia chủ có gợi ý khách nên lấy đồ đem về để tránh thừa mứa thì khách có thể lấy đem về.
Còn trong trường hợp đi tiệc buffet xã giao, đi ăn nhà hàng, các vị khách nên giữ thái độ lịch sự, nho nhã và tuyệt đối không được đem đồ ăn về dù chỉ là một miếng bánh”, bà Nhung nói.
Cũng theo nhà nghiên cứu này, không nên đánh đồng việc ăn cỗ lấy phần với việc đi ăn buffet gói đồ về. Đi ăn cỗ lấy phần là một nét văn hóa dân giã ở nhiều vùng miền, còn tiệc buffet luôn có những quy định riêng mà người đến ăn nên tôn trọng.
Nhà hàng buffet xuất hiện càng nhiều và cơ bản khách hàng đến thưởng thức các món ăn đều biết đến văn hóa ăn buffet. Tuy nhiên, theo bà Nhung, trong một số trường hợp hi hữu, khách chưa nắm được quy định, lấy đồ đem về thì nhà hàng cũng nên nhẹ nhàng giải thích, hướng dẫn cho họ cách ăn uống phù hợp để tránh làm khách bẽ mặt.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.