Tối 27/4, trên trang cá nhân, TikToker V.M.L. đăng tải đoạn video gửi lời xin lỗi chủ quán phở gà Nam Ngư (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) và toàn thể cộng đồng, sau 3 tháng kể từ sự việc anh tố “bị đuổi khỏi quán vì ngồi xe lăn”.
Nam TikToker cho biết khi đã bình tĩnh hơn, anh đã có dịp đến gặp trực tiếp bà T. (chủ quán phở) “để hai bác cháu thấu hiểu nhau hơn”.
“Tôi biết ơn bác T. bao dung, thấu hiểu cho mình”, anh nói, mong muốn gửi đến cộng đồng lời xin lỗi sâu sắc, biết ơn mọi người “vì đã đóng góp một cách nghiêm khắc, để tôi nhìn nhận lại chính mình”.
V.M.L. cho hay bản thân là người chưa từng trải, “gần 30 năm sống thu mình với những mặc cảm, tự ti, sợ hãi, với đầy những lời đùa cợt, lời chế nhạo”.
Anh nói nhạy cảm với những ánh mắt, lời nói, “có những điều mọi người cho là bình thường thôi thì tôi luôn né tránh và cảm thấy đáng sợ”.
“Thời gian vừa qua là những vấp váp và bài học đầu đời đối với tôi. Tâm trạng lúc đó thật rối bời, không biết cư xử thế nào cho đủ với tình yêu thương cũng như sự nghiêm khắc của cộng đồng.
Nhưng rồi tôi lựa chọn suy nghĩ chín chắn và thật bình tĩnh, để cư xử sao cho đúng nhất trong khả năng. Để những lời nói, hành động của mình không gây thêm tổn thương cho bất cứ ai”, V.M.L. nói trong video xin lỗi.
TikToker rút kinh nghiệm sẽ phải chín chắn, cẩn trọng, suy nghĩ hơn trong từng lời nói và hành động, cố gắng rèn luyện bản thân, tránh những điều sai sót, gây tổn thương đến cộng đồng nhất có thể.
“Tôi xin sâu sắc nhận thức về sự yếu kém và thiếu hiểu biết của mình trong việc xử lý vấn đề. Biết ơn cộng đồng đã cho tôi được nhìn nhận những khuyết điểm của bản thân. Rất mong nhận được sự bao dung và tha thứ từ mọi người”, anh nói.
Trước đó, hồi giữa tháng 1, anh V.M.L. cho biết đã cùng bạn gái đến một quán phở gần nhà, nhưng bị nhân viên từ chối “quán em không có nhân viên để khiêng người như anh”.
Đến quán phở thứ 2, L. cho hay đây là “quán quen”, hai người vào ăn bình thường. Chỗ ngồi bé, xe lăn của anh hơi chen vào chỗ bà chủ quán.
“Bà đứng phắt dậy, mắng nhân viên “ai nhận cái ngữ này vào đây ăn?”, nhân viên bảo “anh ấy hay ăn ở đây, bình thường vẫn ngồi thế này”. Bà càng được đà “không bán được, đã thế thì tôi đứng”…”, L. viết.
Anh cho biết “bữa ăn nghẹn ứ ở cổ, thật khó nuốt”. Trong khi anh quen với cảm giác này thì bạn gái “nước mắt bắt đầu rơi”.
Trước tố cáo trên, chủ quán phở gà xác nhận anh L. là khách quen, thường ăn phở vào buổi tối. Vài ngày trước đó, anh cùng bạn gái đến quán vào tầm trưa.
Quán tiếp đón bình thường. Anh L. và bạn gái ngồi bàn đầu tiên, sau lưng chủ quán, cạnh khu vực cân thịt gà. Một chủ quán khác (đã lớn tuổi) nhắc nhở anh L. lần sau đừng ngồi vị trí này gây khó khăn bán hàng.
“Bạn ấy vẫn tươi cười, ăn uống bình thường, nhưng sau đăng bài lên mạng xã hội ám chỉ chúng tôi miệt thị là không đúng”, đại diện quán nói.
Chủ quán khẳng định “không bao giờ dùng lời lẽ thô tục để đuổi khách, đặc biệt với người khuyết tật”. Đồng thời, chủ quán cũng trích xuất camera giám sát thời điểm anh L. cùng bạn gái vào ăn.
V.M.L., tên thật là V.V.N., 30 tuổi, sở hữu kênh TikTok hơn 258.000 lượt theo dõi. Tai nạn năm 3 tuổi khiến anh bị liệt hai chân, phải ngồi xe lăn.
Trên trang cá nhân, nam TikToker thường xuyên chia sẻ video về cuộc sống hàng ngày, truyền cảm hứng và nghị lực sống đến cộng đồng.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.