Tối 17/8, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Quy Nhơn (Bình Định), ngày thứ 2 diễn ra liên hoan Lân Sư Rồng đất võ Quy Nhơn – Bình Định lần thứ III năm 2024, thu hút đông đảo người dân và du khách đến xem.
Liên hoan Lân Sư Rồng do UBND thành phố Quy Nhơn tổ chức, diễn ra từ 16 đến 18/8 với sự tham gia của 29 đoàn, đội, câu lạc bộ đến từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước như: Bình Định, Bình Dương, An Giang, Sóc Trăng, Đà Nẵng, Kon Tum…
Theo ghi nhận, nếu như ở nội dung thi Lân Địa Bửu và Lân Rồng truyền thống mang không khí vui nhộn, hạnh phúc thì những tuyệt kỹ trên Mai Hoa Thung đem đến cho khán giả sự kịch tính, hồi hộp.
“Thực sự rất ấn tượng, kịch tính và hồi hộp, tim tôi đập thình thịch như muốn nhảy ra ngoài mỗi khi con lân nhảy múa trên những trụ cột cao”, chị Nguyễn Trang Anh (24 tuổi, ở thành phố Quy Nhơn) chia sẻ.
Vận động viên Trần Thế Vũ (19 tuổi, thành viên đoàn Lân Sư Rồng Miếu Bảy Bà, tỉnh An Giang, chia sẻ: “Ngoài kỹ thuật điêu luyện thì biểu diễn trên Mai Hoa Thung quan trọng nhất là thần thái. Hôm nay, gió hơi mạnh nên khi chuẩn bị biểu diễn cũng có chút lo lắng, nhưng chúng tôi đã cố gắng và hoàn thành bài thi rất tốt”.
Theo ông Nguyễn Văn Tài (54 tuổi, Trưởng đoàn Lân Sư Rồng Tài Anh Đường ở Châu Đốc, An Giang), Mai Hoa Thung là bài thi đấu có độ khó cao, đòi hỏi người tập phải có thời gian dài khổ luyện.
“Người tập Mai Hoa Thung phải gan dạ, nhanh nhẹn, tập luyện dưới đất 2-3 tháng cho thuần thục rồi mới tập trên cột. Tuy nhiên, thời gian đầu người mới tập cũng thường bị té, chấn thương là điều khó tránh khỏi”, ông Tài chia sẻ.
Cũng theo ông Tài, để bài thi Mai Hoa Thung thành công thì 8 thành viên trong đội phải tập luyện, phối hợp ăn ý. Song, quan trọng nhất vẫn là 2 người hóa thân thành con lân nhảy múa trên những trụ cột cao từ 1,2 đến 2,4m, ngoài kỹ năng thượng thừa thì thần thái khi biểu diễn rất quan trọng.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.