Lãnh đạo UBND huyện Quảng Điền vừa có phản hồi báo Dân trí về các công trình nhà hàng, homestay mọc trái phép ở bờ biển Tân An, xã Quảng Công.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, năm 2020, có 10 hộ ở thôn Tân An nộp đơn xin đầu tư thí điểm mô hình dịch vụ cộng đồng nhỏ lẻ bên bờ biển, theo hình thức lắp ghép và cam kết tự tháo dỡ khi có chủ trương thu hồi của cấp có thẩm quyền.
Với diện tích thí điểm khoảng 6.100m2, UBND xã Quảng Công tổ chức cho 10 hộ bốc thăm lô nhưng chỉ có 6 hộ được nhận mặt bằng (mỗi hộ 800-1.000m2).
Do chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, 6 hộ nhận lô nói trên không có khả năng thực hiện kinh doanh nên tự nguyện trả lại mặt bằng để UBND xã Quảng Công quản lý vào tháng 2/2023.
Đến tháng 5/2023, có 3 hộ, gồm: Bà Lê Thị H., ông Hồ Văn T. và Trần Đức Ch. (cùng trú xã Quảng Công) làm đơn xin tận dụng mặt bằng để kinh doanh ăn uống.
UBND xã Quảng Công cho các hộ tận dụng mặt bằng phát triển dịch vụ du lịch ở biển Tân An, thu hoa lợi công sản trên đất, thực hiện nghĩa vụ đóng thuế theo quy định.
Quá trình bốc thăm, bà H. bốc trúng lô số 1, ông T. trúng lô số 2 và ông Ch. trúng lô số 3. Sau đó ông Ch. không có nhu cầu thực hiện nên tự nguyện trả lại mặt bằng cho UBND xã Quảng Công.
Sau đó, bà H. đã mở khu dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng An Lộc Beach để kinh doanh. Đây được xem là công trình có vị trí đẹp, ngay cạnh bãi đỗ xe của bãi biển Tân An, có quy mô xây dựng bề thế hơn cả.
Người dân địa phương cho biết bà H. là em gái ruột của ông Lê Duận, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Công.
Trao đổi với báo chí, ông Duận xác nhận bà H. là chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ An Lộc Beach và là em gái của ông.
Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền cho biết, đã yêu cầu UBND xã Quảng Công khẩn trương đình chỉ việc xây dựng, cải tạo, sửa chữa, cơi nới và tạm ngưng kinh doanh dịch vụ tất cả các cơ sở được xã này cho tận dụng mặt bằng không đúng quy định tại khu vực bãi biển Tân An.
Huyện Quảng Điền chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, khảo sát, lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các khu dịch vụ du lịch ven biển để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chính quyền địa phương sẽ lập đầy đủ các thủ tục để tổ chức đấu giá cho thuê đất kinh doanh dịch vụ theo quy định.
Ngoài ra, nhà hàng karaoke Binbon trên diện tích nhà điều hành khu nuôi tôm Quảng Công – Hải Dương là của ông Lê D. (em trai ông Lê Duận) được thuê công sản trên địa bàn với giả rẻ để kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Được biết, Dự án Khu nuôi tôm công nghiệp Quảng Công – Hải Dương được khởi động năm 2001, với tổng vốn đầu tư gần 10 tỷ đồng. Dự án triển khai tại 2 xã giáp ranh Quảng Công (Quảng Điền) và Hải Dương (thị xã Hương Trà), đi vào hoạt động năm 2003.
Đến năm 2007, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định chuyển giao tài sản thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước của dự án trên cho UBND huyện Quảng Điền tiếp nhận, trong đó có khu nhà điều hành.
Quá trình hoạt động, khu nuôi tôm gặp nhiều khó khăn, nhà điều hành sử dụng không có hiệu quả và bị xuống cấp trầm trọng. Việc cho ông D. thuê khu nhà điều hành làm nơi kinh doanh dịch vụ nhằm có kinh phí phục vụ việc vận hành, sửa chữa trạm bơm hằng năm.
Trước đó báo Dân trí đã phản ánh về tình trạng nhiều khu nhà hàng, homestay mọc trái phép tại khu vực biển Tân An. Nhiều cơ sở dịch vụ được xây dựng trên diện tích đất do UBND xã Quảng Công quản lý, trước đây là nơi ở của người dân nhưng đã di dời để phòng, chống sạt lở.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.