Chợ hoa đêm Quảng An (Tây Hồ) hoạt động khi mọi người đã chìm sâu vào giấc ngủ. Chợ bắt đầu hoạt động khoảng 20h đêm, đông đúc nhất từ 23h đến 6h sáng hôm sau. Đây là chợ hoa đầu mối chuyên bán buôn, hoa tươi từ khắp nơi đổ về đa chủng loại, đa màu sắc (Ảnh: Hữu Nghị).
Chập tối là thời điểm người dân mua lẻ, các bạn trẻ đi chọn hoa cho, tặng. Khung cảnh tấp nập người mua kẻ bán. Đây là lúc cảm nhận rõ nhịp lao động hối hả của những người bán hoa khu vực này (Ảnh: Hữu Nghị).
Chợ Long Biên (Ba Đình) là chợ đầu mối đặc trưng của miền Bắc, buôn bán sôi động cả ngày. Khu chợ là nơi buôn bán và mang trong mình nét văn hóa được truyền qua nhiều thế hệ. Đến đây thâm nhập, trao đổi, mua bán, trải nghiệm có thể hiểu phần nào văn hóa cũng như cuộc sống đặc trưng vùng miền (Ảnh: Hữu Nghị).
Từ khoảng 21h, các xe nông sản đã từ khắp các ngả đổ về chợ, nhộn nhịp nhất lúc 1h – 2h sáng. Chợ họp tất cả các ngày trong tuần, để tham quan, trải nghiệm nhịp lao động nơi đây, thời điểm lý tưởng nhất là sau 0h (Ảnh: Hữu Nghị).
Tháng 1 năm 2015, cầu Nhật Tân – một trong ba công trình trọng điểm của Hà Nội – khánh thành đi vào hoạt động, trở thành trục không gian kiến trúc và cảnh quan đặc biệt của thành phố. Đây là một trong số rất ít cầu dây văng liên tục nhiều nhịp trên thế giới với 5 trụ tháp tượng trưng cho 5 cửa ô Hà Nội chào đón bạn bè quốc tế (Ảnh: Hữu Nghị).
Cầu có hệ thống chiếu sáng LED mỹ thuật ứng dụng công nghệ điều khiển thông minh. Hệ thống cảm ứng theo mùa và đổi màu linh hoạt, thể hiện được trọn vẹn vẻ đẹp tráng lệ và hiện đại của cầu Nhật Tân, đem lại nhiều cung bậc cảm xúc cho người thưởng ngoạn.
Về đêm cầu nổi bật với ánh sáng rực rỡ, trở thành đích đến trong cung phượt nhỏ ở Hà Nội vào buổi tối. Khi qua cầu, có thể ngắm cảnh sông Hồng thơ mộng giữa màn đêm (Ảnh: Hữu Nghị).
Khu phố cổ Hà Nội dịp cuối tuần luôn là đích của các cuộc vui chơi. Nơi đây gần giống với một tổ hợp giải trí phục vụ du lịch, đa ngành dịch vụ như ăn uống, quán bar, chăm sóc sức khỏe… (Ảnh: Hữu Nghị).
Nhà thờ lớn nằm ở trung tâm Thủ đô, ngay cạnh hồ Gươm, đây là một trong những địa điểm chơi đêm Hà Nội được yêu thích hàng đầu. Nhà thờ cổ kính theo phong cách gothic mang lại sức hấp dẫn cho du lịch, đã trở thành một điểm “phải đến” ở Hà Nội (Ảnh: Hữu Nghị).
Bên cạnh đó, khu vực quanh Nhà Thờ Lớn có nhiều hàng quán ăn uống, rất phù hợp để dừng chân, ngắm cảnh và thưởng thức cuộc sống đêm sôi động ở khu phố trung tâm (Ảnh: Hữu Nghị).
Cầu Long Biên lịch sử – cây cầu thép lâu đời nhất Việt Nam – “bắc qua” 3 thế kỷ (Ảnh: Hữu Nghị).
Khi màn đêm buông xuống, toàn bộ khung cảnh cầu Long Biên trở nên yên bình và toát lên vẻ đẹp mang dấu thời gian. Ngoài ra, đây còn là một trong những nơi ngắm bình minh và hoàng hôn lý tưởng (Ảnh: Hữu Nghị).
Phố đi bộ quanh hồ Gươm hoạt động vào dịp cuối tuần, bắt đầu từ đêm thứ Sáu đến hết Chủ Nhật. Đây là phố đi bộ đầu tiên của Hà Nội đủ sức hấp dẫn người dân và du khách bởi vị trí trung tâm và có nhiều di tích lịch sử như Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc… (Ảnh: Hữu Nghị).
Khám phá không gian Văn Miếu – Quốc Tử Giám về đêm vừa quen lại vừa lạ được thể hiện thông qua nghệ thuật ánh sáng ấn tượng và hệ thống âm thanh tinh tế. (Ảnh: Mạnh Quân).
Tại tour đêm Văn Miếu – Quốc Tử Giám, du khách được trải nghiệm những sắc màu lung linh, huyền ảo, được tạo bởi hệ thống ánh sáng và công nghệ 3D Mapping. Khu Vườn bia Tiến sĩ bừng sáng trong ánh đèn màu chuyển tiếp giữa các gam màu dịu nhẹ nhưng đầy mê hoặc (Ảnh: Mạnh Quân).
Phố Tạ Hiện (Hoàn Kiếm) được gọi là con phố không ngủ của Thủ đô. Đây là một địa điểm vui chơi về đêm nhộn nhịp nhất thành phố. Sau 0h, một số nhà hàng, quán bar vẫn được phép hoạt động, phần lớn khách còn vui chơi ở phố Tạ Hiện lúc này là người nước ngoài (Ảnh: Hữu Nghị).
Hiện tại các nhà hàng phố Tạ Hiện được mở bán đến 2h (Ảnh: Hữu Nghị).
Những quán bar cũng là điểm vui chơi không thể thiếu. Thường tập trung ở khu phố cổ, dưới ánh đèn mờ pha trộn nhiều màu sắc, âm nhạc trẻ trung, đây là một không gian thu hút khách hàng đầu của kinh tế đêm (Ảnh: Hữu Nghị).
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.