Một năm nghỉ bán vài tháng để đi nước ngoài
Dân văn phòng quanh hẻm 150 đường Nguyễn Trãi (quận 1, TPHCM) hầu như ai cũng biết đến quán cơm tấm của bà Lan – địa chỉ ăn uống quen thuộc đã tồn tại hơn nửa thập kỷ.
Chủ nhân của quán cơm tấm này là người phụ nữ gần 70 tuổi, vui vẻ, cởi mở và có đôi bàn tay khéo léo. Bà Lan là thế hệ thứ hai tiếp nối quán cơm sau mẹ ruột của mình. Quán có nhiều người bưng bê, phụ họa, nhưng bà Lan lại chính là “linh hồn” của nơi này, bởi vắng bà thì quán nghỉ.
Mỗi năm, quán đóng cửa đến mấy tháng, có khi là nửa năm nên từng khiến nhiều khách phải ngóng trông. Nhiều người còn gọi vui đây là quán cơm tấm “6 tháng bán, 6 tháng nghỉ”.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, bà Lan cho biết con gái bà vốn là du học sinh và đang định cư Australia cùng gia đình. Từ năm 2013 đến nay, năm nào bà cũng dành thời gian sang thăm con, mỗi lần ở lại chơi vài tháng.
“Trước đây tôi ở Việt Nam 6 tháng rồi sang Australia 6 tháng du lịch, thăm con, nhưng thương khách, nhớ khách quá nên chuyến vừa rồi tôi đi hơn 4 tháng là trở về Việt Nam rồi. Sườn, chả, bì… và những nguyên liệu khác của quán đều do tôi thực hiện, nên không có tôi thì quán phải đóng cửa”, bà Lan chia sẻ.
Mỗi buổi sáng, bà Lan thức dậy từ 3h, chuẩn bị nguyên liệu, bày biện gian hàng để sẵn sàng đón khách vào lúc 6h. Tuổi đã cao, nhưng bà Lan luôn đích thân đứng bếp, xới cơm, chuẩn bị phần ăn cho khách cũng như điều hành mọi thứ trong quán.
Bà cho biết nhân viên ở quán cũng chính là họ hàng, con cháu của bà. Mỗi người đều có việc riêng nhưng khi bà trở về Việt Nam thì mọi người lại hội tụ để hỗ trợ bà buôn bán.
9h, quán cơm tấm của bà Lan nhộn nhịp khách ra vào. Căn tiệm rộng rãi, thoáng mát và hầu như lúc nào cũng có khách quen. Thậm chí có người đã mê mẩn món cơm của bà Lan và gắn bó với quán mười mấy năm qua.
Bà Lan cho biết quán chủ yếu bán bữa sáng và bữa trưa cho dân văn phòng, nên thường đông vào sáng sớm và vào khoảng 11h. Mỗi ngày, bà bán đến 12h là thưa khách, hết đồ ăn. Trừ thời gian đi nước ngoài, bà Lan còn nghỉ bán các ngày chay trong tháng.
Khách quen đến ăn 4-5 lần/tuần
Bà chủ U70 tâm sự, thời mẹ bà còn bán, quán chỉ có cơm bì, trứng chiên và chả, sau này phát triển hơn mới có thêm sườn, đùi gà, xíu mại… Để có được miếng sườn đậm đà, bà Lan phải ướp sườn từ chiều hôm trước rồi để ngăn mát cho thấm gia vị, đến tờ mờ sáng hôm sau thì mang đi nướng.
Bà còn chuẩn bị chả, bì để khách ăn kèm với cơm. Nếu như các nơi khác thường sử dụng món chả trứng, thì bà Lan sử dụng chả cua. Bà nói món chả cua không quá đặc biệt, chỉ từ những nguyên liệu quen thuộc như cua, thịt bằm, bún tàu, củ hành… và nêm nếm theo công thức của riêng bà.
Ngoài ra, nồi cơm nghi ngút khói đặt ngay gian bếp của quán cũng là điều hấp dẫn thực khách. Nhờ luôn được làm nóng trên bếp than, nên cơm lúc nào cũng tơi xốp. Khi được hỏi, bà Lan cũng không biết mỗi ngày quán bán mấy nồi cơm, bởi cứ mỗi lần hết sẽ nấu thêm, mỗi hôm mỗi khác.
“Nhờ hương vị món ăn ở quán nhiều năm không đổi, nên khách quen đến quán thường xuyên, có người ăn cơm ở đây mười mấy năm rồi. Nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng như Thành Lộc, Hữu Châu, Hiếu Hiền… cũng thường đến dùng cơm. Cũng chính vì vậy mà tôi đâu nỡ nghỉ bán lâu ngày”, bà Lan chia sẻ.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, sườn nướng tại quán mềm mại, đậm vị, ăn vừa miệng và được nướng không quá khô. Đặc biệt, bì ở quán trộn lẫn hai loại là bì da heo và bì nạc đùi heo rất lạ miệng. “Mỗi người bán sẽ có khẩu vị riêng chứ không có gì quá cao sang, đặc biệt cả”, bà Lan bày tỏ.
Giá cơm tại quán dao động từ 50.000 đồng đến 80.000 đồng. Nhìn chung, mức giá này có phần cao hơn so với nhiều nơi khác. Song, nhiều thực khách cho rằng với số tiền này mà được thưởng thức một đĩa cơm tấm ngon, xứng đáng thì họ luôn cảm thấy hài lòng.
Chị Lâm Thúy (Tân Phú) – vị khách đã gắn bó với quán cơm tấm này từ khi mẹ bà Lan bán – cho biết từ năm 1979 đến nay, chị chỉ ăn mỗi món cơm tấm bì chả không thay đổi.
“Bà chủ nêm nếm vừa miệng, tôi rất thích. Có khi một tuần tôi đến quán ăn 4-5 ngày. Quán này không mở cửa thì tôi đành phải ăn ở quán khác, nhưng cảm thấy không ngon bằng. Năm nay bà chủ ở nước ngoài về trễ quá, làm tôi đợi mãi mới được đến ăn cơm”, chị Thúy nói.
Anh Nam Anh (21 tuổi, Bình Tân) cũng cho biết mình ăn ở quán nhiều năm dù ở khá xa. Mỗi mùa hè khi bà Lan không bán, anh cứ thấy như thiếu một điều gì đó. “Mỗi lần tôi ăn 2 đĩa cơm. Cơm, sườn, nước mắm hòa quyện đem đến vị ngon khó tả, khiến tôi cứ muốn ăn mãi mà thôi”, anh Nam Anh nói.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.