Những ngày giáp Tết, gia đình nhỏ của La Khánh Ly (SN 2002) ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, lại bận rộn náo nhiệt. Mỗi người một công việc nhưng ai cũng háo hức, vui vẻ, bởi không khí ngày Xuân đang tới rất gần.
Năm nay, mấy gia đình anh em họ hàng sống xung quanh đụng con lợn 60kg nuôi gần một năm. Giữa lúc mọi người bận rộn dao thớt, Ly nhận phần thịt mông về để xay giò sống, thêm chút lòng lợn làm dồi. Cô gái quê gốc Cao Bằng tiết lộ sẽ làm món giò bằng lòng lợn để thiết đãi mọi người.
Là người gốc Cao Bằng, Ly lên Hà Nội làm nhân viên trong một siêu thị trên phố Đội Cấn. Cũng nhờ cơ duyên tình cờ, cô quen chồng tại đây. Sau một thời gian gắn kết, năm 2021, cả hai quyết định đi tới hôn nhân. Lúc Ly mang bầu em bé đầu lòng, cô chuyển về Thái Bình quê chồng sinh sống.
Nhớ lại ngày đầu làm dâu, cô gái người Cao Bằng thấy quá bỡ ngỡ vì cái gì cũng khác xa với quê mình, từ giọng nói địa phương tới ẩm thực vùng miền. Tuy nhiên Ly dễ dàng thích nghi nhờ được mẹ chồng hết lòng chỉ dẫn còn người dân sống xung quanh cũng rất nhiệt tình.
“Mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu của tôi rất tốt. Bà tuy tuổi cao nhưng tính cách trẻ trung, hiểu biết, yêu thương con cháu hết mực. Nhờ đó, cuộc sống làm dâu của tôi không bị ngột ngạt. Cũng nhờ bà, tôi được học thêm nhiều món ngon, trong đó có món giò làm từ lòng lợn”, Ly vui vẻ cho biết.
Cô gái trẻ tiết lộ, giò lòng vốn là món ăn gia truyền của gia đình, có từ thời các cụ rồi truyền lại cho con cháu. Không chỉ có ở Thái Bình, một số địa phương khác như Hòa Bình cũng xuất hiện món này, nhưng mỗi nơi có chút chế biến khác biệt.
Ở huyện Thái Thụy quê chồng Ly, giò lòng không thể thiếu lá sắn thuyền. Đây vốn là loại cây mọc hoang dại, được trồng ở một số tỉnh thành phía Bắc như Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình. Lá chứa tinh dầu, ăn vị đắng và hơi chát, được người địa phương lấy về làm nguyên liệu cho món giò đặc biệt.
Món ăn có các nguyên liệu chính như giò sống, dồi lợn tự làm, gan luộc, tràng và trứng gà tráng thành miếng mỏng. Rau thơm nếu không tìm được lá sắn thuyền có thể cho lá xương sông thay thế nhưng hương vị sẽ có chút khác biệt.
Lúc xay giò sống, Ly chọn nạc mông với 7 phần thịt và 3 phần mỡ, để trong tủ lạnh khoảng một tiếng rồi mang ra xay nhuyễn cùng đá lạnh. Nước mắm, hạt tiêu được nêm nếm vừa vị cho vào luôn lúc xay giò.
Theo hướng dẫn của mẹ chồng, Ly chọn 5-6 tấm lá chuối đặt lên trên. Tiếp đó cô phết lớp giò sống, cho thêm trứng tráng rồi lại một lớp giò sống, dồi, gan và tràng lợn. Riêng món giò này không cho dạ dày hay ruột. Cuối cùng, cô lấy giò sống phết đều cho kín các khe hở rồi cuộn thật chặt tay.
“Thao tác cuộn giò rất quan trọng trong khâu gói giò. Nếu không gói chặt tay, miếng giò cắt ra sẽ rời rạc, không đẹp mắt”, Ly lưu ý.
Giò được buộc chặt bằng dây lạt. Đợi nước sôi, cô thả cây giò vào luộc trong vòng 2 tiếng. Dịp Tết này, cô làm cây giò nặng 2,5kg, dự tính sẽ cắt thành từng khoanh mang biếu anh em họ hàng ăn lấy thảo.
Sau khi vớt, giò được ép khoảng 1 tiếng cho chảy hết nước rồi bảo quản nơi khô ráo. Theo kinh nghiệm của người dân địa phương, giò lòng ngon nhất là lúc ăn nóng và chỉ nên bảo quản trong vòng một ngày, không để tới hôm sau.
“Ở Thái Thụy quê chồng, mọi nhà thường làm giò lòng để ăn Tết. Khách muốn ăn phải tới khu vực Đông Lâm mới có nhà bán”, cô dâu Thái Bình nói.
Dịp Tết năm nay, Ly tiết lộ còn làm thêm giò nây (một loại giò của địa phương làm từ thịt ba chỉ), giò xào và giò nạc với mỗi loại 2kg.
Món giò lòng đạt tiêu chuẩn là lúc cắt ra tạo thành một khối không rời rạc, ăn có vị rất lạ miệng. Nếu để tủ lạnh, trước khi ăn nên hấp chín giò sẽ ngon hơn. Tùy từng gia đình có thể chấm với nước mắm hạt tiêu hoặc mắm tôm.
“Tết vui nhất là lúc mọi người quây quần chuẩn bị các món ngon và cùng nhau thưởng thức thành quả”, cô gái Cao Bằng vui vẻ nói.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.