Đến Phú Yên bằng cách nào?
Để đến được Phú Yên, du khách có thể đi theo 3 loại hình giao thông như: Đường bộ, đường sắt và đường hàng không.
Đường bộ với trục ngang là quốc lộ 1, trục dọc là 2 tuyến quốc lộ 25 và 29 kết nối với các tỉnh Tây Nguyên; Phú Yên có ga đường sắt Tuy Hòa – ở trung tâm thành phố Tuy Hòa – cách biển khoảng 4km và cảng hàng không Tuy Hòa cách trung tâm thành phố chừng 6km.
Du lịch ở thành phố xanh
Trong công tác quy hoạch, tỉnh Phú Yên chú trọng các không gian xanh ở thành phố Tuy Hòa, từ đó nhiều cây cối được giữ lại, trồng mới tại nhiều cung đường, dọc biển, công viên…
Sáng sớm du khách có thể tản bộ ở khu vực công viên ven biển thành phố Tuy Hòa để vừa tập thể dục, vừa hít thở không khí trong lành.
Vào dịp tháng 7, biển ở Phú Yên êm dịu, làn nước trong xanh, mát lành, mang đến cho người dân và du khách cảm giác thư giãn, “chữa lành”.
Điểm du lịch trong thành phố
Tháp Nghinh Phong
Tháp Nghinh Phong được xây dựng bên bờ biển khu vực đường Nguyễn Hữu Thọ – Độc Lập, phường 9, thành phố Tuy Hòa. Tháp được lấy ý tưởng từ cấu tạo địa chất của Gành Đá Đĩa, một thắng cảnh độc đáo nổi tiếng của Việt Nam và truyền thuyết “trăm trứng, trăm con”.
Cụ thể, 100 cột đá thẳng đứng xếp san sát nhau và chia làm 2 khối tháp tượng trưng cho truyền thuyết cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ cùng 100 người con chia nhau lên núi, xuống biển để mở mang bờ cõi và xây dựng đất nước.
Từ khi đưa vào hoạt động, Tháp Nghinh Phong đã trở thành điểm đến không thể bỏ lỡ trên bản đồ du lịch Phú Yên.
Hồ điều hòa Hồ Sơn
Hồ điều hòa Hồ Sơn nằm trong khu dân dụng Hồ Sơn và trải dọc theo 2 con đường là Điện Biên Phủ và Trần Phú (thành phố Tuy Hòa).
Đây là một hồ nước đẹp, có ý nghĩa rất lớn trong việc điều hòa nguồn nước và cũng là điểm đến vui chơi, ngắm cảnh của cư dân địa phương, du khách.
Tháp Nhạn
Tháp Nhạn được xây dựng trên sườn phía đông của núi Nhạn cách trung tâm thành phố Tuy Hòa khoảng 2km. Đây là di tích kiến trúc đền tháp Champa cổ, được xây dựng vào khoảng thế kỷ XI.
Khi du lịch Phú Yên, nhiều du khách chọn Tháp Nhạn là điểm đến, khám phá vẻ đẹp kiến trúc Champa cổ kính, chứa đựng nhiều bí ẩn về quá trình tạo dựng của người Chăm xưa. Bên cạnh đó, đứng ở khu vực tháp, có thể nhìn được cảnh đẹp tổng quan về thành phố Tuy Hòa.
Món ngon ở Tuy Hòa
Bánh hỏi lòng heo
Tại Tuy Hòa, du khách dễ dàng bắt gặp các quán bán bánh hỏi lòng heo ở khắp ngõ, ngách của thành phố. Vì đây là món ăn sáng dân dã của người dân xứ Nẫu (tên gọi khác của người Phú Yên).
Bánh hỏi lòng heo là sự kết hợp tinh tế giữa bánh hỏi hấp dẫn và phần lòng heo thơm ngon, dai, giòn. Quá trình chế biến bánh hỏi yêu cầu sự khéo léo, từ việc pha trộn các loại gạo, chế biến bột, đến việc tạo ra sợi bánh nhỏ, không bị rời.
Lòng heo bao gồm các phần như: tim, gan, lòng, dạ dày… Đặc biệt, món ngon Phú Yên này được ăn kèm với tô cháo nóng hổi, cùng các loại rau sống và nước chấm nguyên chất, tạo nên bữa ăn hấp dẫn vào buổi sáng.
Giá bán của món đặc sản địa phương này dao động 25.000-60.000 đồng/phần (tùy vị trí quán).
Bún cá
Món bún cá là sự kết hợp giữa cá tươi – loại hải sản đặc trưng ở “xứ biển” Phú Yên – cùng xương ống, dứa và chả cá. Bún cá Phú Yên có nhiều món bún đa dạng như: bún cá dầm, chả cá, thập cẩm… được bán với giá 30.000-50.000 đồng/tô.
Món “đèn pha đại dương”
“Đèn pha đại dương” là tên gọi mỹ miều mà người dân Phú Yên đặt cho món mắt cá ngừ đại dương. Tên đèn pha xuất phát từ việc mắt cá ngừ có thể nhìn rất xa, trọng lượng 200-300gr/mắt, to như pha đèn pin cầm tay.
Để tạo điểm nhấn và tăng hương vị cho món mắt cá ngừ, nhiều nhà hàng đã cho cồn vào xung quanh thố sành, sau đó châm lửa tạo một cảm giác mới lạ, đẹp mắt. Lửa giữ cho mắt cá nóng hổi, thưởng thức ngon hơn.
Giá bán 1 thố mắt cá ngừ đại dương 50.000-70.000 đồng.
Bánh canh hẹ
Bánh canh hẹ là món ăn dân dã ở Phú Yên. Món đặc sản này là sự kết hợp giữa sợi bánh (loại nhỏ) cùng với các loại hải sản tươi như cá thu, cá nhồng, mực, tôm và thật nhiều hẹ.
Giá bán của món bánh canh hẹ 20.000-30.000 đồng/tô.
Điểm đến khi đi về hướng bắc
Gành Đá Đĩa
Gành Đá Đĩa nằm ở xã An Ninh Đông (huyện Tuy An, Phú Yên), cách trung tâm thành phố Tuy Hòa khoảng 35km về hướng bắc.
Danh thắng này có cấu trúc là các trụ đá hình lăng trụ xếp liền nhau, hòn nọ nối hòn kia kề với sóng nước. Bãi đá trải rộng san sát nhau, chung màu đen huyền bí. Có trụ thẳng đứng, có trụ nghiêng vẹo nhưng vẫn chồng chất tầng tầng trông như chồng bát đĩa, nên có tên gọi là Gành Đá Đĩa.
Chính vì vẻ đẹp độc nhất vô nhị, nên hầu hết các du khách khi đến Phú Yên đều ghé Gành Đá Đĩa để tham quan, ngắm cảnh.
Nhà thờ cổ Mằng Lăng
Nhà thờ Mằng Lăng cách danh thắng Gành Đá Đĩa khoảng 10km về hướng tây, nên tiện đường cho du khách tham quan. Nhà thờ này được người Pháp xây dựng cách đây 132 năm. Đây là một trong những nhà thờ cổ nhất Việt Nam.
Ngoài nét đẹp cổ kính, nhà thờ Mằng Lăng còn là nơi đang lưu giữ cuốn sách in chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam.
Theo Chánh xứ Giáo xứ Mằng Lăng, cuốn sách cổ này có tựa đề “Phép giảng 8 ngày” được giáo sĩ Alexandre de Rhodes biên soạn, sau đó in tại nhà in Vatican rồi mang sang Việt Nam để sử dụng trong các buổi giảng đạo của mình.
Tại huyện Tuy An, du khách có thể lựa chọn ăn trưa tại nhiều quán hải sản ở khu vực cầu An Hải (xã An Ninh Đông).
Điểm đến khi đi về hướng nam
Danh thắng Mũi Điện
Mũi Điện được biết đến là một trong những nơi đón bình minh đầu tiên trên đất liền của lãnh thổ Việt Nam. Địa danh này nằm ở xã Hòa Tâm (thị xã Đông Hòa), cách thành phố Tuy Hòa khoảng 35km về hướng Đông Nam.
Nếu du khách lưu trú ở thành phố Tuy Hòa, muốn ghé thăm, ngắm mặt trời mọc ở Mũi Điện phải dậy từ lúc 4h30 và mất khoảng 40 phút để di chuyển vào địa danh này.
Hải đăng Đại Lãnh cũng là một công trình gắn liền với địa danh Mũi Điện. “Đèn biển” này được người Pháp xây dựng cách đây hơn 130 năm với mục đích định hướng cho tàu thuyền hoạt động trên biển.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.